Mùa vú sữa bắt đầu từ tháng 12 dương lịch, kéo dài qua Tết Nguyên đán. Năm nay, nông dân Hợp tác xã Trường Khương A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ có lẽ là những người vui nhất vì vụ vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được xuất khẩu, dù không trúng mùa do thời tiết bất lợi.
Tết Canh Tý 2020, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, ấp Trường Khương A, xã Trường Long, ăn Tết to hơn những năm trước. Với 10 công đất vườn trồng vú sữa VietGAP vừa thu hoạch trước Tết, giá bán thấp nhất 20.000 đồng/kg đã đem lại cho gia đình số tiền hơn 200 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các vụ trước.
Có được điều này là do Hợp tác xã trồng cây ăn trái Trường Khương A, nơi ông là thành viên, đã tham gia liên kết với doanh nghiệp sản xuất vú sữa theo phương pháp bao trái để phục vụ xuất khẩu. Theo đó, trái vú sữa khi còn non sẽ được nông dân dùng một loại bao chuyên dụng để bọc lại, vừa giúp tránh sâu bọ phá hoại vừa giúp trái đẹp và an toàn hơn do giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Làm theo quy trình VietGAP mất công nhiều hơn do phải bọc từng trái, nhưng bù lại Công ty thu mua giá cao hơn thị trường. Những năm trước vào vụ thì giá chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá thấp nhất là 20.000 đồng, thậm chí đầu vụ là 50.000 đồng/kg”, ông Thọ tiết lộ.
Ông Trần Văn Nhanh, một thành viên khác của Hợp tác xã Trường Khương A cho biết, lâu nay nông dân trồng vú sữa ở huyện Phong Điền chủ yếu bán cho thương lái. Từ khi hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được cam kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường thì các thương lái bên ngoài cũng nâng giá lên, không còn cảnh bị ép giá như trước.
Huyện Phong Điền là nơi có diện tích vườn cây ăn trái tập trung lớn nhất của thành phố Cần Thơ với 7.200 ha; trong đó có 6.000 ha đang cho trái. Nhờ được tập huấn kỹ thuật bao trái, đảm bảo thời gian cách ly để sản phẩm bảo đảm an toàn đối với người tiêu dùng, đáp ứng được các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cây vú sữa đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân Hợp tác xã Trường Khương A nhờ xuất khẩu.
Theo ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Trường Khương A, Hợp tác xã hiện có 30 thành viên với khoảng 47 ha trồng các loại vú sữa như: Lò rèn, vú sữa bơ, tím Bắc Thảo... và đều được xã viên thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, từ công đoạn chăm sóc đến bao trái. Mặc dù khác nhiều so với cách trồng truyền thống, nhưng nông dân rất phấn khởi vì được ký kết bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn bán cho thương lái.
“Sản xuất vú sữa theo quy trình này, trái vú sữa thương phẩm không những an toàn cho người tiêu dùng mà nông dân cũng tránh được độc hại do ít sử dụng thuốc trừ sâu. Giá cả cũng ổn định bởi Công ty cam kết bao tiêu cao hơn thị trường 10.000 đồng/kg. Thời điểm thương lái mua 30.000 đồng thì chúng tôi bán được 40.000 đồng/kg”, ông Chiến nói.
Hiện toàn huyện Phong Điền có trên 1.500 ha vú sữa. Trong đó, Hợp tác xã trồng cây ăn trái Trường Khương A và Câu lạc bộ trồng vú sữa ấp Tân Hưng là hai địa điểm trồng vú sữa có diện tích khá lớn. Ngoài chú ý đến năng suất, các ngành chức năng cũng hướng tới việc liên kết hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap nhằm mang lại hiệu quả kinh tế.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thành phố Cần Thơ cho biết, thời gian qua Cần Thơ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân xây dựng các Hợp tác xã để hoàn chỉnh vùng trồng của mình. Trên cơ sở vùng trồng được xác định, thành viên của các Hợp tác xã này được hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, mẫu mã theo yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng mời gọi các Công ty kết nối với các Hợp tác xã để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Là một trong những doanh nghiệp đang liên kết bao tiêu vú sữa của Cần Thơ để xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) lưu ý, muốn chinh phục được thị trường quốc tế, đặc biệt là những thị trường mới đầy tiềm năng thì doanh nghiệp cần chuẩn hóa trong sản xuất, chế biến… Ngoài ra, mở rộng các vùng trồng, cấp mã số cho nhiều loại trái cây và quản lý chặt chẽ vùng trồng để có điều kiện gia nhập thị trường, tránh gặp phải những rủi ro.
Ông Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc Công ty Đại Thuận Thiên (Cần Thơ) - đơn vị đang liên kết tiêu thụ nhiều loại nông sản cho rằng, nếu muốn trái cây bán được thì phải chấp nhận thị hiếu của thị trường, không phải cứ trồng trước rồi mời gọi doanh nghiệp vào bao tiêu mà phải kết hợp với doanh nghiệp từ khi bắt đầu, làm ra sản phẩm sạch theo quy trình khép kín.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp đó phải có đủ năng lực, kinh nghiệm trong kinh doanh và người dân khi hợp tác phải giữ uy tín, trồng và bán theo hợp đồng ký kết. Thực tế thời gian qua, chúng tôi kết hợp với nông dân rất thành công và hiện không đủ hàng để bán”, ông Cung nói.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận xét, thời gian qua do nhiều nguyên nhân, trong đó có trình độ thâm canh, quy trình canh tác thấp, không đảm bảo chất lượng nên ngành sản xuất trái cây của Việt Nam vẫn chưa phát triển bền vững. Mặc dù đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, nhưng ngành chức năng địa phương triển khai chưa đồng bộ trong chứng minh nguồn gốc sản phẩm nên dẫn đến nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về.
Theo ông Tùng, tới đây Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền, vận động người dân ý thức hơn về sản xuất cây ăn trái trong giai đoạn hiện nay. Người dân không còn nghĩ trồng cây ăn trái chỉ thuần túy coi trọng năng suất, sản lượng mà ở giá trị gia tăng. Sau đó chuyển đổi vườn tạp không hiệu quả sang trồng cây ăn trái hoặc chuyển từ vườn cây ăn trái kém hiệu quả sang cây ăn trái khác mang lại kinh tế cao hơn. Đồng thời thay đổi tập quán canh tác cũ, tham gia vào quy trình canh tác hiện đại, áp dụng gói quy trình sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung, tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu, vận động nông dân liên kết tổ chức sản xuất, hình thành các Hợp tác xã, tổ sản xuất, tổ liên kết sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, kết nối các doanh nghiệp thu mua tiêu thụ sản phẩm.
Với hiệu quả bước đầu, có thể nói mô hình trồng vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP an toàn cho người tiêu dùng, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sẽ là hướng đi mới cho nông dân.