Vì sao giá cà phê giảm giá mạnh trong thời gian qua?

Việt Nam và Braxin đang được mùa cà phê, nên đẩy giá cà phê giảm sâu. Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất đồng USD, cũng khiến giá hàng hóa nông sản thế giới giảm, trong đó có cà phê.

Giá cà phê hôm nay 26/9 giảm 100 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên xuống 32.200 - 32.800 đồng/kg. Giá cà phê giao tại cảng TP HCM giảm 75 USD/tấn xuống 1.427 USD/tấn. Trong đó, giá cà phê tỉnh Lâm Đồng thấp nhất ở mức 32.200 đồng/kg và cao nhất tại Gia Lai ở 32.800 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta trên sàn ICE giao trong tháng 11 lúc 16h30 ngày 25/9 giảm 0,4% xuống 1.506 USD/tấn. Giá cà phê arabica trên sàn New York giao tháng 12 lúc 17h30 ngày 25/9 giảm 1,3% xuống 97 UScent/pound.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 ngày giữa tháng 9, giá cà phê robusta và arabica trên thị trường thế giới giảm.

Cụ thể, trên sàn giao dịch London, giá cà phê robusta giao tháng 11 vào ngày 18/9 giảm 0,8% so với ngày 10/9 và giảm 5,2% so với ngày 18/8 xuống còn 1.479 USD/tấn. Hợp đồng kỳ hạn tháng 1/2019 giao dịch ở mức 1.486 USD/tấn, giảm 0,5% so với ngày 10/9 và giảm 4,2% so với ngày 18/8.

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm trở lại đây. Ngày 18/9, giá cà phê arabica giao tháng 12 giao dịch ở 97,3 Uscent/pound, giảm 5% so với ngày 10/9 và giảm 7,1% so với ngày 18/8.

Trên sàn BMF của Brazil, ngày 18/9 giá cà phê arabica giao tháng 12 giảm lần lượt 4,1% so với ngày 10/9 và13,8% so với ngày 18/8/2018, xuống còn 113,35 Uscent/pound; kỳ hạn tháng 3/2019 giao dịch ở 114,7 Uscent/pound, giảm 5,6% so với ngày 10/9 và giảm 16,6% so với ngày 18/8.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, có nguồn tin cho rằng cà phê ở Việt Nam và Braxin được mùa nên đẩy giá cà phê giảm sâu. Bên cạnh đó, việc Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất đồng USD, làm cho đồng USD mạnh lên cũng khiến giá hàng hóa nông sản giảm đi, trong đó có cà phê.

Chú thích ảnh
Giá cà phê đam giảm trên nhiều thị trường. Ảnh: TTXVN

Ông Vinh cho biết, Hiệp hội đã trao đổi thông tin với phía Braxin và được thông báo rằng, năm nay Braxin không hẳn được mùa, sản lượng chỉ tăng nhẹ so với năm ngoái. Còn Việt Nam cũng không được mùa, mưa sớm đã ảnh hưởng tới sản lượng cà phê của Việt Nam.  Sản lượng năm nay ước tính 1,6 triệu tấn (giảm so với năm ngoái), bên cạnh đó còn hàng tạm nhập tái xuất, hàng tồn kho nhưng không nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Vinh, mặc dù giá cà phê quốc tế giảm nhưng giá cà phê trong nước lại có xu hướng tăng. Trước diễn biến phức tạp này, Hiệp hội Cà phê Ca cao đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự kiến, trong thời gian tới nhóm G20 (20 Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước) sẽ nhóm họp để tìm giải pháp.

Bên cạnh đó, ông Vinh cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có cuộc họp ở Lâm Đồng để bàn về các giải pháp đối với cây cà phê và tìm giải pháp chế biến sâu.

Ngoài ra, theo ông Vinh, Hiệp hội Cà phê đã thông tin lại cho các hãng truyền thông quốc tế như: Bloomberg, CNBC … để họ nắm được tình hình, đưa thông tin chính xác, không để ảnh hưởng tới giá cà phê.  

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tiền tệ suy yếu của các nước sản xuất chính đã góp phần tác động đáng kể lên giá cà phê, trước sự lây lan của căng thẳng thương mại và bế tắc của Brexit.

Tính chung cả tuần thứ với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng đan xen liên tiếp, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kỳ hạn giao ngay tháng 11 không thay đổi, vẫn ở mức 1.489 USD/tấn, trong khi kỳ hạn giao sau tháng 1/2019 giảm 4 USD xuống 1.493 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 3/2019 giảm 5 USD còn 1.516 USD/tấn, các mức giảm nhẹ.

Trong tuần này, với 2 phiên giảm và 3 phiên tăng liên tiếp, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York kỳ hạn giao ngay tháng 12 tăng 0,2 cent/lb lên ở 99,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2019 tăng 0,15 cent/lb lên ở 103,3 cent/lb, các mức tăng nhẹ.

Giá cà phê nhân xô tại Tây nguyên giảm 100 – 200 đồng, xuống dao động trong khung 31.900 – 32.500 đồng/kg. Các thị trường cà phê thế giới tiếp tục xu hướng tiêu cực, trước căng thẳng thương mại leo thang và biến động của tỷ giá tiền tệ, khi suy đoán Fed sẽ tăng lãi suất USD tại phiên họp chính sách vào tuần tới.

Trong khi USD quá mạnh đã đẩy tỷ giá tiền tệ các nước sụt giảm, nhất là đồng tiền của các quốc gia sản xuất cà phê chủ chốt giảm sâu, kéo theo giá cà phê thế giới xuống thấp.

Ngân hàng Trung ương Brasil (BCB) vừa tung ra 6,54 tỷ USD và giữ nguyên lãi suất cơ bản hiện hành ở mức 6,5%, để nâng đồng Reais lên trước bầu cử tổng thống mới vào tháng 10, đã giúp chặn đứng đà rơi của giá cà phê Arabica.

Hiện nay, Brexit tiếp tục là vấn đề nóng, ảnh hưởng tới xuất khẩu của khu vực Eurozone ở mức tồi tệ nhất trong vòng 5 năm qua cũng khiến cho giá cà phê kỳ hạn London suy yếu thêm.

Trong khi đó, vẫn còn ý kiến trái chiều từ các chuyên gia kinh tế khi cho rằng, Indonesia cần nâng lãi suất thêm 0,25%, sau khi đã tăng 1,25% kể từ tháng 5/2018 và giảm bớt dự trữ ngoại hối để củng cố đồng Rupiah đang bị mất giá “chưa từng thấy”. Indonesia là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới, xếp sau Việt Nam và Brasil, với sản lượng năm nay dự kiến 11,1 triệu bao.

H.V/Báo Tin tức
Giá cà phê giảm kỷ lục trong 10 năm qua, nhà nông lo tắc đầu ra khi sắp vào vụ mới
Giá cà phê giảm kỷ lục trong 10 năm qua, nhà nông lo tắc đầu ra khi sắp vào vụ mới

Nguồn cung thừa mứa trong khi nhu cầu vẫn ở mức thấp đang đẩy giá thu mua cà phê trong nước giảm mạnh, trong khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa nhà nông lại bước vào vụ thu hoạch mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN