Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao. Theo đó, kim ngạch 10 tháng năm 2022 đạt gần 620 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD). Dự kiến cả năm đạt 750 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm trước và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Mặc dù đánh giá cao kết quả xuất khẩu, song ông Nguyễn Hồng Diên cũng cảnh báo những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) xuất khẩu phải lưu ý như: thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn; lạm phát gia tăng khiến chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ. Đáng lưu ý, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn (trên 200%). Ngoài những khó khăn trên, hiện nay, nhiều nước nhập khẩu cũng đã đưa ra những quy định khắt khe về môi trường, trách nhiệm xã hội đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam.
"Để hướng đến xuất khẩu bền vững, DN Việt Nam cần thay đổi tư duy. Nghĩa là quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường. Mặt khác, chính DN cũng cần nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để tăng tính cạnh tranh", ông Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm.
Trong khi đó, theo ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Eurocham Việt Nam, Việt Nam có sự phát triển thương mại rất mạnh mẽ, xuất khẩu có sự chuyển dịch tích cực, sản phẩm đa dạng nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại (FTA) để tăng cường phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một quốc gia bị ảnh hưởng và tổn thương lớn bởi biến đổi khí hậu, do đó Việt Nam cần tập trung phát triển kinh tế xanh, bền vững. Trong khi đó, các FTA mà Việt Nam tham gia, nhất là EVFTA đều có cam kết về phát triển xanh, bền vững; người tiêu dùng EU thích những sản phẩm được sản xuất xanh, bền vững và phía EU cũng thắt chặt các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng xanh, bền vững. Chính vì vậy, các DN Việt Nam phải được tái định hình theo hướng này. Eurocham cam kết hỗ trợ và hợp tác giúp Việt Nam trong vấn đề này.
Tương tự, ông Bartosz Cieleszyski, Phó trưởng Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, trong EVFTA có chương quy định về tăng trưởng xanh giúp tạo dòng chảy cho các sản phẩm xanh và phát triển bền vững. Việt Nam sẽ hưởng lợi liên quan đến ứng dụng và phát triển công nghệ xanh; xuất khẩu các sản phẩm xanh là con đường đầy hứa hẹn và công nghệ xanh không nằm ngoài tầm với của DN Việt Nam. Muốn sản xuất ra các sản phẩm xanh, bền vững, các DN Việt Nam cần ứng dụng công nghệ xanh và bắt đầu từ các ngành chủ lực trong xuất khẩu như nông, lâm nghiệp, thủy sản… Ngoài ra, cùng với công nghệ xanh, doanh nghiệp Việt cũng cần sử dụng các nguyên liệu dùng cho sản xuất tuân thủ tính bền vững và an toàn thực phẩm khi xuất khẩu sang châu Âu. Do đó, cơ quan chức năng Việt Nam cần hỗ trợ nông dân, người sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững, trong đó thực hành tốt nông nghiệp hay canh tác sản phẩm hữu cơ là một trong những điều cần hướng đến.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), kinh tế xanh mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng xuất khẩu. Vì vậy, xuất khẩu xanh mở ra các thị trường mới, tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế xanh, giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh.