Việt Nam dự WEF lần thứ 44 tại Davos

Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 44 đã chính thức khai mạc tại Davos, Thụy Sĩ, ngày 22/1 (khoảng 15h chiều cùng ngày theo giờ Việt Nam) với sự tham dự của 2.500 đại biểu đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu sẽ tham dự các phiên họp chính thức, các hoạt động song phương và tham gia đối thoại với các doanh nghiệp quan tâm tới Việt Nam.

Các đại biểu đổ về Trung tâm hội nghị WEF trong ngày khai mạc Davos 2014. Ảnh: Tố Uyên/TTXVN


Davos 2014 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi từ nửa cuối năm 2013, sự tăng trưởng trở lại khá ấn tượng ở khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Tuy nhiên, kinh tế thế giới không chỉ toàn màu hồng mà vẫn phải đối mặt với một số thách thức như gia tăng áp lực lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao và nhiều nước còn loay hoay tìm kiếm mô hình và động lực tăng trưởng mới.


Bên cạnh đó, tình trạng bất ổn không ngừng ở Bắc Phi và Trung Đông, cuộc chiến ở Syria dẫn đến làn sóng người tị nạn tìm kiếm sự an toàn và đặc biệt trong năm nay vấn đề sức khỏe và môi trường lần đầu tiên nằm trong số những chương trình nổi bật tại diễn đàn Davos.


Với chủ đề "Tái định hình thế giới: Những hệ quả về xã hội, chính trị và kinh doanh", diễn đàn năm nay tiếp nối chủ đề "Năng động để thích ứng" với khả năng phục hồi của năm trước đó. Hội nghị là nơi 250 lãnh đạo chính trị hàng đầu và những người đứng đầu các tổ chức quốc tế gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp để thảo luận về cách quản trị toàn cầu theo khía cạnh tích cực và mang tính xây dựng hơn. Hội nghị cũng sẽ khám phá chiều sâu của biến đổi xã hội và chính trị xảy ra ở tất cả các nơi trên thế giới, tạo ra nhiều cơ hội để thảo luận về thương mại tư nhân và các vấn đề liên quan đến đầu tư ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.


Theo dự kiến, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ngày 24/1 sẽ tham dự với tư cách là diễn giả tại phiên họp: Tái định hình ASEAN và các tác động đối với tăng trưởng tại Đông Á; tham dự Phiên họp hẹp (IGWEL) giữa các nhà lãnh đạo kinh tế thế giới. Ngoài ra, đoàn Việt Nam còn tham dự nhiều phiên họp chính thức và bán chính thức ngay sau phiên khai mạc.


WEF được biết đến lần đầu tiên vào tháng 1/1971 khi một nhóm những doanh nghiệp hàng đầu châu Âu gặp nhau dưới sự bảo trợ của Ủy ban châu Âu và Hiệp hội Công nghiệp châu Âu. Người sáng lập WEF là giáo sư về Chính sách Kinh doanh Klaus Schwab thuộc Trường đại học Geneva.


Hơn bốn thập kỷ qua, WEF luôn cung cấp các nhà lãnh đạo chính phủ, những người đứng đầu các ngành công nghiệp, học viện ... và các phương tiện truyền thông một nền tảng cơ bản để hình thành các chương trình nghị sự toàn cầu và các giải pháp. Diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức tại Davos, Thụy Sĩ. Bên cạnh Hội nghị Davos, hàng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á, Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ La tinh, Hội nghị WEF về Trung Đông v.v. Các diễn đàn khu vực này là nơi trao đổi và phân tích đánh giá các vấn đề phát triển của khu vực.


Diễn ra ngay ở thời điểm khởi đầu của một năm, Hội nghị Davos luôn cung cấp một nền tảng tuyệt vời cho giới lãnh đạo hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới có thể đưa ra những sáng kiến ​​và các cam kết cải thiện tình hình thế giới hiện nay nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.



Tố Uyên-Tiến Nhất

Khai mạc Tuần văn hóa Việt Nam tại Venezuela

Tại trung tâm văn hóa Casa Bosset đã khai mạc triển lãm ảnh trong khuôn khổ Tuần văn hóa Việt Nam do Đại sứ quán nước ta tại Venezuela tổ chức ở bang Mérida nhằm giúp người dân quốc gia Nam Mỹ này hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN