Diễn đàn do Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy (Vietnam Economic Times) và UBND Thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức chiều 10/4.
Mục tiêu Diễn đàn nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, tăng cường cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa các địa phương, đối tác quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời hỗ trợ thúc đẩy địa phương, doanh nghiệp Việt hội nhập và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông LIM Dyi Chang, Giám đốc Cấp cao Khối Khách hàng doanh nghiệp - Ngân hàng UOB Việt Nam, tài chính xanh sẽ góp phần là chất xúc tác cho tương lai bền vững của Việt Nam.
“Trọng tâm của tài chính xanh là các tổ chức thúc đẩy dòng vốn - ngân hàng. Bằng cách khuyến khích đầu tư xanh và tích hợp đánh giá rủi ro môi trường vào hoạt động cho vay, các ngân hàng đóng vai trò then chốt trong việc chuyển nguồn vốn cho các dự án bền vững”, ông LIM Dyi Chang cho biết.
Từ lâu, UOB đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đóng vai trò tích cực trong hỗ trợ các thị trường mà ngân hàng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. UOB cam kết sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong toàn bộ hoạt động kinh doanh vào năm 2050 và tính đến cuối năm 2023, danh mục tài chính xanh của UOB đã đạt quy mô 44,5 tỷ đô la Singapore.
“Về mặt khử cacbon trong danh mục cho vay, chúng tôi đang đạt được những kết quả tích cực, trong đó cường độ phát thải thấp hơn 7-14% so với lộ trình tham chiếu mục tiêu trên 6 lĩnh vực sử dụng nhiều carbon chính, đóng góp gần 60% trong toàn bộ danh mục cho vay”, lãnh đạo UOB chia sẻ.
Thương mại và đầu tư cũng là những thành phần quan trọng của quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Cùng với việc các cơ chế tính toán lượng carbon và chứng nhận xanh đã được chấp nhận rộng rãi hơn, các ngân hàng như UOB đóng vai trò quan trọng hỗ trợ các doanh nghiệp trong các quyết định tài chính (đối với vốn lưu động và đầu tư dài hạn) nhằm đáp ứng với bối cảnh và các quy định về tính bền vững tương đối phức tạp.
Ví dụ, UOB Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động tín dụng được thiết kế đặc biệt để hỗ trợ các dự án quốc gia của Việt Nam như: Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Phát triển Điện lực nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch và Phát triển thị trường carbon.
"Để thiết lập một hệ sinh thái xanh thực sự phát triển mạnh ở Việt Nam, Việt Nam cần một cách tiếp cận toàn diện nhằm thúc đẩy sự đổi mới và cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh, tăng cường quan hệ hợp tác công - tư để tăng trưởng kinh tế bền vững; đồng thời thúc đẩy giáo dục và đào tạo về tính bền vững và đổi mới. Sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính như UOB là điều tối quan trọng để đạt được mục tiêu này", ông LIM Dyi Chang nhấn mạnh.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang cùng với nhiều quốc gia trên thế giới chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế “nâu” sang “xanh” với trọng tâm chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát thải carbon thấp, đảm bảo tăng trưởng xanh, hướng tới thực hiện thành công cam kết Net-Zero vào năm 2050 và phát triển bền vững. Đây được xem là cuộc “Đổi mới xanh/cách mạng công nghiệp xanh” và trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong tiến trình phát triển của thế giới.
Đánh giá gần đây của Ủy ban châu Âu (EC) về quy mô thị trường toàn cầu hiện nay cho thấy, các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5.000 tỷ USD và có thể tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với các thị trường truyền thống. Dự báo đến năm 2030, nền kinh tế xanh sẽ tạo ra khoảng 24 triệu việc làm mới trên toàn cầu.
Kinh tế xanh còn tạo ra cơ hội để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới như: Năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh.
Theo đó, việc nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, cho các ngành, lĩnh vực kinh tế có ý nghĩa cấp thiết và sống còn. Trên bình diện Quốc gia, Chiến lược về tăng trưởng xanh còn thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng và bền vững.
Kinh tế xanh đã và đang được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn có tính pháp chế cao, được đề cập trong các cam kết thương mại quốc tế. Biên giới carbon đã đi vào hiệu lực từ 1/10/2023, quy định về chống mất rừng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 và tiếp tục thế giới sẽ ban hành dấu chân nhựa và biên giới nhựa. Theo đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các thị trường là yêu cầu bắt buộc.
Tại Việt Nam, các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường ban hành năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Từ năm 2023, các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính tự nguyện. Đến năm 2025, kiểm kê phát thải khí nhà kính sẽ là bắt buộc với các doanh nghiệp. Cũng trong Luật này, quy định thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xauất cũng được xác định rõ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phiên toàn thể Vietnam Connect 2024 đã tập trung bàn thảo và cập nhật các xu hướng mới có tính quốc tế về kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế net zero; đồng thời qua thực tiễn hoạt động chuyển đổi xanh của các địa phương, các ngành kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, phản ánh tiến trình phát triển kinh tế xanh của Việt Nam.
Các phiên tham luận, thảo luận của Diễn đàn trao đổi về kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia tiên phong thực hiện chuyển đổi xanh. Qua đó, giúp các cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI hoạch định các chiến lược phù hợp và hiệu quả hơn, đồng thời từ thực tiễn khuyến nghị chính sách tạo thuận lợi và động lực nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tiếp nối Phiên toàn thể Diễn đàn Vietnam Connect 2024 là Lễ công bố và vinh danh các Doanh nghiệp FDI tiêu biểu năm 2023 nhận giải thưởng Rồng Vàng (Golden Dragon Awards) lần thứ 23.
Golden Dragon Awards năm 2024 đã tập trung bình xét các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, chuyển đổi tuần hoàn, đảm bảo phát thải carbon thấp trong quy trình sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, quan tâm, trú trọng và có kế hoạch thực thi ESG ((Môi trường, Xã hội và Quản trị). Các Doanh nghiệp tiên phong công bố lộ trình hướng tới net zero của doanh nghiệp, góp phần vào mục tiêu thực hiện thành công cam kết Net-Zero của Việt Nam vào năm 2050.
Năm 2024, Ban tổ chức nhận được hơn 486 đề cử và đăng ký tham gia. Qua 2 vòng khảo sát và bình xét, Golden Dragon Awards 2024 công bố và vinh danh Top 50 Doanh nghiệp FDI tiêu biểu ở 6 nhóm ngành, bao gồm: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghệ số & dịch vụ số; dịch vụ tài chính và bảo hiểm; phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và bất động sản; giáo dục và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống.
Top 10 thương hiệu xuất sắc được vinh danh Golden Dragon Awards 2024 tiêu biểu như: Samsung, LG Display, Intel, Qualcomm, Heineken, UOB, HSBC, Lego, SCG, Coca-Cola.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn Vietnam Connect 2024 diễn ra chiều 10/4 có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Hải Phòng, đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và lãnh đạo 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Sự kiện cũng có sự tham dự, đóng góp ý kiến của đại diện các Đại sứ quán, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng trong nước và gần 300 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.