Dư địa thị trường còn nhiều là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu xoài đẩy mạnh xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc trong thời gian tới. Cùng đó là việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc cũng mang lại kết quả tích cực.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhập khẩu chủng loại quả xoài (HS 08045020) của Hàn Quốc trong 3 tháng năm 2023 đạt 8 nghìn tấn, trị giá 36,4 triệu USD, giảm 18% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xoài nhập khẩu bình quân trong 3 tháng năm 2023 đạt 4.533,8 USD/ tấn, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hiện tại, Peru là thị trường cung cấp xoài lớn nhất cho Hàn Quốc trong 3 tháng đầu năm 2023. Lượng xoài nhập khẩu từ Peru chiếm 63,4% tổng lượng xoài nhập khẩu vào Hàn Quốc, đạt 5,1 nghìn tấn, trị giá 25,7 triệu USD, giảm 14,8% về lượng và giảm 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Kế đó, đứng ở vị trí thứ 2 là thị trường Thái Lan đạt 2,3 nghìn tấn, trị giá 7,8 triệu USD, giảm 22% về lượng và giảm 20,4% về trị giá, chiếm 28,1%. Thế nhưng, để đẩy mạnh xuất khẩu quả xoài sang Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý người tiêu dùng Hàn Quốc đặt tính an toàn của nông sản, thực phẩm lên hàng đầu, sau đó tới chất lượng, mùi vị, hình thức bên ngoài và giá cả.
Đặc biệt, Hàn Quốc được xem là thị trường áp dụng nhiều các quy định nghiêm ngặt nhất châu Á về điều kiện đối với hàng nông sản nhập khẩu.
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 418 triệu USD, tăng 22% so với tháng 3/2022. Tính chung 3 tháng đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu hàng rau quả tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2023 là nhờ trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 576,4 triệu USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhu cầu của Trung Quốc tăng cao là do tháng 2 và 3 là mùa lạnh, do đó diện tích cây ăn trái cho sản lượng thấp, không đủ cung ứng nội địa.
Việc mở cửa trở lại sau nhiều năm áp dụng chính sách Zero Covid tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng khả quan trong năm 2023.
Tuy nhiên, Trung Quốc đang siết dần nhập khẩu tiểu ngạch và chuyển qua chính ngạch, chất lượng rau quả nhập khẩu đòi hỏi ngày càng cao. Để xuất khẩu sang thị trường này, ngoài tăng cường chất lượng hàng hóa, doanh nghiệp và nhà vườn phải tuân thủ và kiểm soát chặt mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh, hàng rau quả xuất khẩu tới Hoa Kỳ giảm mạnh, do ảnh hưởng bởi lạm phát dẫn tới sức mua yếu tại thị trường này. Đáng chú ý, hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2023.
Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho hay, sang năm 2023 tiếp tục có một số yếu tố tác động tới xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc; trong đó, nền kinh tế Hàn Quốc đang chịu sức ép lớn do lạm phát cao, lãi suất tăng. Dữ liệu mới nhất cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng của nước này trong tháng 12/2022 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021.
Để kìm hãm giá cả, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) dự kiến sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa vào đầu năm nay. Lãi suất cao có thể khiến các hộ gia đình ở Hàn Quốc cắt giảm ngân sách chi tiêu.
Hơn nữa, Bộ Tài chính Hàn Quốc cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của đất nước xuống còn 1,6% trong năm 2023 so với mức tăng trưởng ước tính 2,5% trong năm 2022. Mặt khác, Chính phủ Hàn Quốc coi thúc đẩy xuất khẩu là nhiệm vụ và là chính sách ưu tiên hàng đầu trong năm 2023 để giúp Hàn Quốc phục hồi tăng trưởng.
Tất cả những yếu tố trên sẽ tác động tới xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc và việc điều chỉnh phương thức xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu cho phù hợp với bối cảnh thị trường được nhận định là rất cần thiết.
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá sang Hàn Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc khuyến cáo, các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) của Hàn Quốc tiếp tục là những trở ngại, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Trong năm 2023 và những năm tới, cần phát huy hơn nữa vai trò điều phối, hỗ trợ giải quyết khó khăn của Tiểu ban SPS trong khuôn khổ Uỷ ban hỗn hợp thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc.
Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển sản phẩm thông qua việc đề nghị phía Hàn Quốc hỗ trợ phân tích thị trường, sản phẩm đối với một số sản phẩm cụ thể; hỗ trợ marketing trên nền tảng mảng xã hội.
Mặt khác, đẩy mạnh hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các hiệp hội ngành hàng trong nước với các hiệp hội ngành hàng của Hàn Quốc cũng như với các tập đoàn phân phối như như Lotte Mart, E-Mart, Home Plus, CJ Home Shoping... giúp tăng cơ hội bán hàng vào hệ thống các siêu thị và kênh phân phối tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, bán sản phẩm tại các trang thương mại điện tử lớn của Hàn Quốc như Coupang, Gmarket… nhằm từng bước thâm nhập thị trường thương mại điện tử Hàn Quốc; gia tăng hoạt động xúc tiến thương mại bằng cách tham dự các hội chợ chuyên ngành, uy tín cao tại Hàn Quốc nhằm quảng bá một cách hiệu quả sản phẩm của Việt Nam tại thị trường nước sở tại và hỗ trợ kết nối thương mại bằng nhiều hình thức như online/offline giữa doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp hai nước.
Hơn nữa, trực tiếp thu xếp đưa đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu hợp tác thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng Việt Nam trong lĩnh vực công thương.
Đặc biệt, Việt Nam cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác, đầu tư sản xuất các mặt hàng nông sản để xuất khẩu sang Hàn Quốc.