Việt Nam trở thành "điểm giao thoa" các hiệp định thương mại

Báo điện tử “Sóng Đức“ (Deutsche Welle – DW) của Đức ngày 20/10 đã có bài viết “Việt Nam will wirtschaftlich durchstarten" cho rằng Việt Nam đang thúc đẩy tự do hóa kinh tế để trở thành một địa điểm đầu tư mới ngày càng hấp dẫn mà Đức là một trong những đối tác quan trọng.


Hình ảnh bài viết trên báo Đức.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, bài viết (tạm dịch: Việt Nam khởi động một thời kỳ mới về phát triển kinh tế) của nhà báo Rodion Ebbighausen, mở đầu với nhận định quan hệ Việt Nam – Đức đang phát triển hết sức tốt đẹp nhân 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước và năm 2015 chứng kiến nhiều chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai bên như Chủ tịch Quốc hội Đức Norbert Lammert thăm Việt Nam hồi đầu năm và dự kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ thăm Đức vào cuối năm 2015.


Đánh giá về sự phát triển của Việt Nam, tác giả bài viết điểm qua tốc độ tăng trưởng của Việt Nam từ sau khi tiến hành công cuộc Đổi mới đã luôn ở mức cao trung bình từ 7-8%/năm và sớm đạt được mục tiêu thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD từ năm 2009. Tác giả cho rằng mặc dù kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình chung của kinh tế thế giới những năm gần đây song tốc độ tăng trưởng của hai năm qua vẫn đạt quanh ngưỡng khá cao là 6%/năm.


Bài viết cũng cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam đang triển khai một chiến lược kinh tế hợp lý, đặc biệt là chính sách ngoại thương khi Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đều trong năm 2015, trong khi Cộng đồng ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm nay. Tác giả đánh giá Việt Nam đang trở thành "điểm giao thoa“ quan trọng của các hiệp định thương mại khu vực lớn nhất hiện nay.


Về quan hệ kinh tế Việt Nam - Đức, bài viết dẫn nhận định của ông Bjoern Koslowski, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Ngoại thương Đức tại Việt Nam (AHK) cho rằng các hiệp định thương mại tự do trên đem lại một lợi thế đáng kể cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư đầy sức hút.


Theo ông Koslowski, môi trường đầu tư ở Việt Nam đang thuộc hàng tốt nhất ở ASEAN và đây là yếu tố mà các doanh nghiệp Đức đã chờ đợi để chuẩn bị cho một làn sóng đầu tư mới. Vị chuyên gia của AHK cũng thẳng thắn nhìn nhận kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nhiều nếu có được lực lượng lao động và quản lý được đào tạo bài bản và có trình độ, hệ thống doanh nghiệp trong nước vững mạnh cũng như hạn chế hơn nữa tình trạng tham nhũng.


Cuối bài viết, nhìn nhận về chuyến thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, tác giả cho rằng đây không chỉ là dịp để tạo ra các xung lực mới về hợp tác kinh tế Việt Nam – Đức mà còn giúp tăng cường sâu sắc hơn sự tin cậy về chính trị giữa hai nước.


TTXVN/Tin Tức
Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc
Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết của Giáo sư, Tiến sỹ Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) với nhan đề "Văn hóa phải trở thành sức mạnh nội sinh của dân tộc".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN