Vinaconex 'lên tiếng' việc xây tòa nhà 18 tầng trong khu Trung Hòa - Nhân Chính

Những ngày gần đây, dư luận rộ lên việc cư dân sinh sống gần kề khu đất ký hiệu CN (N21.2) thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính phản đối Tổng công ty cổ phần xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) khi đơn vị này xin ý kiến về hồ sơ điều chỉnh quy hoạch cục bộ ô đất này.

Chú thích ảnh
Đại diện Vinaconex đang chia sẻ thông tin về lô đất bị phản đối khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Ảnh: Thu Hằng/BNEWS/TTXVN

Theo quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, ô đất ký hiệu CN ban đầu có chức năng công nghiệp (tầng cao trung bình 3,33 tầng). Sau đó, năm 2003, khu đất này được điều chỉnh phương án kiến trúc công trình với chức năng Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp, hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống (tầng cao trung bình 2,81 tầng).

Đến năm 2014, UBND Tp. Hà Nội đã cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho Vinaconex với diện tích sử dụng riêng 3.467m2, thời hạn sử dụng 40 năm (kể từ ngày 13/6/2000). Nguồn gốc sử dụng Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm.

Sau khi UBND Tp. Hà Nội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch, cho phép Vinaconex xây tòa nhà 18 tầng nằm trong Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, các hộ dân đã đồng loạt phản đối vì lo sợ việc này sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị và không phục vụ lợi ích toàn dân.

Trao đổi với báo chí chiều 20/3, ông Nguyễn Minh Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Ban Đầu tư (Vinaconex) cho biết, thời gian qua, Vinaconex đã tổ chức 2 cuộc họp với người dân ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân. Tại 2 cuộc họp này, cư dân bày tỏ ý kiến phản đối gay gắt việc xây dựng tòa nhà.

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu được hết dự án cũng như quan điểm vì cộng đồng của dự án này do Vinaconex đầu tư là đáp ứng bãi đỗ xe cho cộng đồng cư dân – ông Thắng lý giải. Thậm chí, tại các cuộc họp, đại diện Vinaconex chưa có cơ hội trình bày hết ý tưởng dự án cho cộng đồng cư dân hiểu.

Hiện khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính đang thiếu trầm trọng bãi đỗ xe. Ô tô đỗ tràn lan ở đường nội bộ, gây mất mỹ quan, khó khăn về giao thông. Vinaconex đã xem xét toàn bộ khu đô thị và thấy rằng chỉ còn ô đất này phù hợp để xây dựng công trình kết hợp có bãi đỗ xe.

Phương án của Vinaconex được Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND Tp.Hà Nội là sẽ xây dựng tòa nhà 18 tầng nổi, 3 tầng hầm; trong đó, 5 tầng dưới cùng sẽ dùng làm bãi đỗ xe theo công nghệ cao, thông minh của Hàn Quốc. Dự án sẽ tạo nên 500 chỗ đỗ xe, giúp giải tỏa nhu cầu đỗ xe tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, nhất là việc đỗ xe trên đường nội bộ như hiện nay.

Xung quanh tòa nhà sẽ tạo cảnh quan, để không gian mở cho người dân có thể qua lại thoải mái. Đồng thời, những tầng trên chỉ sử dụng làm văn phòng, không có chức năng nhà ở nên không làm tăng mật độ dân số cho khu vực, ông Thắng lý giải.

Hiện đơn giá đầu tư cho 1 chỗ đỗ xe thông minh khoảng 7.500 USD/suất. Nếu tính với mức giá cho thuê tối đa mà T.p Hà Nội cho phép thu hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng thì 30 năm dự án cũng chưa hết khấu hao. Theo phân tích của ông Thắng, bãi đỗ xe là một chức năng trong tòa nhà chứ nếu tách riêng thì không thể thực hiện được bởi doanh nghiệp phải dùng nguồn tiền cho thuê văn phòng để bù đắp 1 phần chi phí đó. Do đó, phải tính tổng hòa chung công năng sử dụng cả tòa nhà thì mới cân đối được.

Tuy nhiên, dưới góc độ người dân, ông Nguyễn Văn Trinh – người đang sinh sống tại khu vực này cho rằng, hiện nay, một số khu đất vốn được duyệt là công viên, cây xanh, thể thao thì nay đã trở thành nhà hàng, quán bia, sử dụng sai mục đích khiến chất lượng cuộc sống người dân bị ảnh hưởng. Nhiều hộ dân phản đối dự án vì họ cho rằng nếu thêm dự án này vào khai thác sẽ khiến mật độ toàn khu tăng cao và nhà cao tầng sẽ gây bức bối.

Thời gian tới, Vinaconex sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại thêm với cộng đồng cư dân xung quanh để người dân hiểu hơn về dự án này và đồng thuận. Hiện, cơ quan chức năng chưa có quyết định điều chỉnh quy hoạch 1/500 của khu vực này và  khả năng có tiếp tục thực hiện dự án hay không sẽ tùy thuộc vào quyết định của cơ quan chức năng của thành phố - ông Thắng cho hay.  

Trước đó, Vinaconex cũng đã thực hiện công khai thông tin về dự án tại khu đất dự kiến xây dựng tòa nhà 18 tầng, UBND 2 phường Trung Hòa, phường Nhân Chính và những nơi công cộng trên địa bàn lân cận.

Tuy nhiên, đại diện Vinaconex cũng thừa nhận việc chưa tiến hành tuyên truyền rộng rãi các thông tin đầy đủ về lợi ích mà dự án mang lại đối với cộng đồng, dẫn đến một bộ phận dân cư hiểu sai về mục đích của dự án, gây bức xúc trong thời gian vừa qua.

Việc điều chỉnh quy hoạch đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều đô thị. Tại điều 20, Luật Quy hoạch đô thị 2009 có quy định rõ việc trách nhiệm lấy ý kiến về quy hoạch đô thị. Theo đó, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng quy định tại khoản 7 Điều 19 của Luật này (Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực được giao đầu tư) có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị.

Ủy ban nhân dân có liên quan, tổ chức tư vấn lập quy hoạch có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng trong việc lấy ý kiến.

Trong quá trình triển khai thực tế thì quy định này đang khiến không ít doanh nghiệp gặp khó giống như trường hợp của Vinaconex nếu như lô đất rơi vào vị trí đắc địa và người dân không hợp tác.

Thu Hằng (TTXVN)
SCIC ‘thở phào’ nhận gần 7.400 tỷ đồng tiền thoái vốn tại Vinaconex
SCIC ‘thở phào’ nhận gần 7.400 tỷ đồng tiền thoái vốn tại Vinaconex

Ngày 5/12, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) xác nhận Công ty TNHH An Quý Hưng đã thanh toán đủ 7.366 tỷ đồng tiền mua lô cổ phần của Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN