Vinashin sẽ có nguồn vốn để trả nợ?

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Nguyễn Ngọc Sự đã trao đổi với phóng viên TTXVN về thông tin các chủ nợ nước ngoài, mà đại diện là Credit Suisse, đã khước từ đề xuất hoãn nợ của Vinashin.

Xin ông cho biết ý kiến về việc gần đây nhất, rộ lên thông tin các ngân hàng ngoại đã từ chối cho Vinashin hoãn khoản thanh toán kỳ đầu tiên vào ngày 20/12 tới? 

Năm 2007, Vinashin đã phát hành 600 triệu USD trái phiếu thông qua Credit Suisse. Theo hợp đồng, Vinashin sẽ phải trả 600 triệu USD trong 10 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng.

Ngày 20/12 tới đây, Vinashin sẽ phải trả 60 triệu USD đầu tiên theo đúng hợp đồng đã ký kết. Tuy nhiên, hiện Vinashin đang rất khó khăn chưa có nguồn để trả ngay.
 

Vì vậy, tập đoàn đã có văn bản đề nghị các chủ nợ là các ngân hàng ngoại cho lùi lại một năm, Vinashin chắc chắn sẽ thu xếp được nguồn vốn để trả từ việc tái cơ cấu tập đoàn.

Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào nói rằng tất cả các chủ nợ không đồng ý với đề xuất hoãn, giãn nợ của tập đoàn. Bởi theo nguyên tắc thì việc quyết định vấn đề này thông qua bỏ phiếu.

Tuy nhiên, ngân hàng đầu mối là Credit Suisse cho biết, hiện tại, chưa nhận được biểu quyết 100% của nhà đầu tư cho vay. Do đó, chúng tôi đang chờ câu trả lời cuối cùng. 

Vinashin sẽ trả khoản nợ đầu tiên này bằng cách nào?

Việc tái cơ cấu tập đoàn không thể một sớm một chiều ngay được. Do đó, phải có thời gian để thực hiện tái cơ cấu và hoàn thành các dự án thì Vinashin mới có nguồn để trả.

Sau 1 năm tái cơ cấu, Vinashin sẽ có nguồn vốn để trả nợ-Ảnh internet

Trước mắt, Vinashin đang cố gắng đàm phán với các chủ nợ để có những biện pháp hết sức mềm dẻo nhằm giải quyết khoản nợ này. Theo đề nghị của Vinashin, khoản nợ đầu tiên sẽ được trả vào tháng 12/2011, bởi sau một năm tập đoàn thực hiện việc tái cơ cấu, sẽ sắp xếp được nhiều nguồn để trả từ việc bán các dự án để thu hồi vốn, cổ phần hóa, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bàn giao tàu cho chủ tàu, xử lý tồn kho vật tư thiết bị… 

Cụ thể là: Khi thực hiện tái cấu trúc tập đoàn, trong số 216 đơn vị phải sắp xếp lại, tập đoàn sẽ đàm phán với các đối tác để chuyển nhượng. Vinashin kỳ vọng việc bán chuyển nhượng thành công 216 doanh nghiệp này sẽ thu được khoảng 23.000 tỷ.
 
Bên cạnh đó, tập đoàn sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tập trung hoàn thành bàn giao các con tàu đã ký kết thì chủ tàu sẽ thanh toán tiền, chúng tôi sẽ có tiền để trả.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp TNHH thành viên, chúng tôi sẽ thực hiện cổ phần hóa rao bán trên thị trường, cũng sẽ thu hồi được vốn. Đặc biệt, hiện tại kho vật tư thiết bị đã được mua sắm để đóng khoảng 100 con tàu trị giá hàng chục ngàn tỷ đang nằm một chỗ trong 2, 3 năm qua (do suy thoái kinh tế thế giới, nhiều chủ tàu gặp khó khăn về tài chính đã hủy hợp đồng đóng mới). Phần này sẽ được huy động ra để đóng tàu hoặc bán đi thu hồi vốn. 

Mục tiêu của Đề án tái cơ cấu Vinashin là để giảm nợ và khôi phục, phát triển tập đoàn. Vậy kế hoạch này đã được triển khai như thế nào?

Cùng với việc tích cực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Vinashin đang đàm phán với các chủ tàu gia hạn thêm để tập đoàn có thời gian hoàn thiện các con tàu.

Đến thời điểm này, tập đoàn đã hoàn thành bàn giao cho chủ tàu 27 tàu. Ngày 25/12/2010, chúng tôi sẽ bàn giao tiếp 8 tàu, nâng tổng số tàu hoàn thành trong 4 tháng cuối năm là 35 tàu như đã cam kết với Chính phủ.
 
Đến 31/12, chúng tôi bàn giao thêm 6 tàu nữa. Như vậy, chúng tôi sẽ hoàn thành vượt chỉ tiêu 6 tàu. Dự kiến cả năm sẽ hoàn thành bàn giao được 63 tàu với tổng giá trị khoảng 700 triệu USD.

Ngay sau khi Thủ tướng ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin, ngày 7/12, tập đoàn cũng đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sắp xếp 216 đơn vị thành viên.

Chúng tôi đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai và 216 đơn vị này được chia làm 5 nhóm theo đặc thù của từng doanh nghiệp để sắp xếp lại, gồm: Nhóm 1: Vinashin sẽ chuyển nhượng, rút vốn; nhóm 2: Thực hiện bán doanh nghiệp, thu hồi vốn; nhóm 3: Đề nghị chuyển giao cho các đơn vị khác ngoài tập đoàn; nhóm 4: Xử lý sáp nhập vào các đơn vị khác thuộc Vinashin; nhóm 5: Là các doanh nghiệp, đơn vị thuộc diện sẽ bị giải thể.

Hiện tập đoàn đang tiến hành đàm phán với một số nhà đầu tư và đã có một số nhà đầu tư đến đăng ký mua và tìm hiểu thông tin về những doanh nghiệp trên. Trong số các doanh nghiệp này có một số doanh nghiệp có tiềm năng nên dễ bán.

Tuy nhiên, có một vấn đề chúng tôi rất trăn trở, đó là sau khi tái cơ cấu, số đơn vị thành viên sẽ giảm từ 216 đơn vị xuống còn 43 đơn vị thành viên. Theo tính toán, tổng số lao động dôi dư khoảng 13.000 người, tập trung chủ yếu ở các đơn vị sẽ được cổ phần hóa, chuyển giao, bán hoặc giải thể...

Trước mắt, chúng tôi cố gắng sắp xếp hạn chế tối đa số người mất việc làm; 13.000 lao động dôi dư sẽ được bố trí việc làm theo năng lực và nguyện vọng.

Chúng tôi sẽ tiến hành rà soát lại trình độ tay nghề chuyên môn của họ, tiếp nhận những kỹ sư, công nhân lành nghề vào làm việc tại một số nhà máy đóng tàu chủ lực.

Những lao động còn lại thuộc các công ty cổ phần hóa, bán hoặc chuyển giao sẽ được đơn vị tiếp nhận sử dụng, bố trí việc làm mới phù hợp với năng lực. Người lao động tại một số các đơn vị phải đóng cửa, giải thể sẽ được tập đoàn phối hợp với các doanh nghiệp, Liên đoàn Lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương để bố trí việc làm phù hợp, cũng như giải quyết chế độ hợp lý, hợp tình.

Uông Lam - TTXVN (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN