Theo đó, trong thời điểm trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, các địa phương sẽ tập trung thực hiện công tác thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và hỗ trợ người nghèo đón tết.
Dự kiến có khoảng 200 gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng và hơn 2.000 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được hỗ trợ vui xuân, đón Tết. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đang tranh thủ các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ trên 22.000 hộ nghèo và cận nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội có điều kiện đón Tết.
Tỉnh Vĩnh Long sẽ không bắn pháo hoa trong đêm giao thừa. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh việc chăm lo đời sống người dân, tỉnh Vĩnh Long cũng quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống, mang bản sắc địa phương để phục vụ người dân trong dịp Tết như: Lễ hội Lăng ông Thống chế Điều bát với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn và chương trình biểu diễn nghệ thuật của đồng bào ba dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer; hoạt động giao lưu đờn ca tài tử; giải lân sư rồng; thi đấu cờ người; hội thi sinh vật cảnh; hội thi vẽ tranh; tiếng hát tuổi thơ…
Theo ông Lữ Quang Ngời, các hoạt động chăm lo đời sống người dân và hoạt động văn hóa, thể thao dịp Tết sẽ diễn ra đều khắp trong toàn tỉnh, trong đó đặc biệt chú ý đến nhân dân các địa phương vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi và đoàn kết trong nhân dân.
Các huyện, thị xã, thành phố sẽ chủ động có kế hoạch tổ chức hoạt động tại địa phương để người dân tham gia vui chơi, giải trí lành mạnh. Riêng Ban tổ chức chương trình văn nghệ đón giao thừa đang thảo luận kế hoạch để xây dựng chương trình văn nghệ hấp dẫn và ý nghĩa, tạo điều kiện cho người dân và du khách đón giao thừa trong không khí vui tươi, phấn khởi dù không tổ chức hoạt động bắn pháo hoa nghệ thuật chào mừng năm mới.