Theo cán bộ và người dân của xã Phú Xuân, sở dĩ đồng ruộng để hoang trên diện rộng là do nông dân và chính quyền UBND xã chưa tìm được tiếng nói chung trong cách chia ruộng đất sau khi dồn thửa đổi ruộng tại địa bàn xã này.
Ông Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên, cho biết, chủ trương dồn điền đổi thửa hay còn gọi là dồn thửa đổi ruộng là chủ chương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tại địa phương, chủ trương này đã được triển khai nhưng đang gặp nhiều bất cập, người nông dân không nhận ruộng, để ruộng bị bỏ hoang tính đến nay đã 3 vụ.
Xã Phú Xuân có diện tích đất tự nhiên hơn 531 ha; trong đó diện tích đất nông nghiệp đưa vào sản xuất 322 ha. Toàn xã có 2.063 hộ với 7.822 khẩu. Thực hiện dồn thửa đổi ruộng, theo kế hoạch từ năm 2018 xã đã đăng ký với tỉnh triển khai 250 ha và đến tháng 1/2020 Phú Xuân đã thực hiện được 260 ha, vượt hơn so với kế hoạch. Trong giai đoạn dồn thửa đổi ruộng, xã cũng chuyển khoảng 1.500 ngôi mộ ra khỏi ruộng canh tác. Nhìn chung trong khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng ở Phú Xuân, cơ bản được đông đảo người dân đồng thuận, ủng hộ chủ trương đúng đắn, của Đảng và Nhà nước, cũng như các chính sách của tỉnh Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, xã Phú Xuân lại "vấp" phải việc người dân không nhận ruộng sản xuất, diện tích ruộng đồng bị bỏ hoang lớn, ước tính 130 - 150 ha. Nguyên do là nhiều người dân đòi hỏi việc không góp đất làm mương và đường nội đồng; đồng thời, yêu cầu địa phương phải làm xong hệ thống điều tiết nước và xử lý vi phạm đất đai trong phạm vi và ngoài diện tích dồn thửa. Bên cạnh đó, người dân còn yêu cầu không làm bãi rác (3.600 m2) vì sợ ô nhiễm, hủy bỏ một số tuyến đường nội đồng....
Việc không nhận ruộng đất canh tác diễn ra nhiều nhất ở thôn Can Bi 1, Can Bi 2 của xã Phú Xuân. Riêng 2 thôn trên có 652 hộ có diện tích canh tác tham gia dồn thửa đổi ruộng và đến tháng 7/2020 có 310 hộ của hai thôn đã ký nhận ruộng đã dồn thửa và đã họp bốc thăm.
Tuy nhiên, 310 hộ đã nhận ruộng nhưng không tổ chức sản xuất gieo cấy được vì các hộ chưa ký nhận ruộng ngăn cản không cho tổ chức sản xuất và yêu cầu xã chia lại từ đầu. Những hộ chưa ký nhận ruộng đất ở thôn Can Bi 1, Can Bi 2 cho rằng, việc dồn thửa đổi ruộng ở các thôn còn có những mâu thuẫn, bất công trong cách chia ruộng đất của địa phương; thêm vào đó sau khi dồn thửa diện tích mỗi sào ruộng (360 m2) giảm 28 m2/sào và sau này chính quyền xã Phú Xuân xác định lại giảm còn 19,2 m2/sào, dân cho là thiệt và không chấp nhận.
Lý giải về việc giảm diện tích, chính quyền xã cho rằng vì phải bớt một phần đất ruộng đồng ra để làm mương, làm máng dẫn nước, đắp bờ thửa to rộng hơn, giao thông nội đồng lớn hơn thì diện tích ruộng phải giảm. Tuy vậy, phía người dân cho rằng, nhiều bờ thửa, mương máng trên những thửa ruộng trước đây tuy nhỏ nhưng số lượng nhiều hơn và lấy một phần diện tích ruộng đất khác ngoài phạm vi dồn thửa để bổ sung cho việc làm đường nội đồng, kênh, mương quy mô lớn...thì cũng không thể giảm số diện tích trên mỗi đầu sào 28 m2 hay sau này xác định lại là 19 m2/sào như hiện nay.
Ông Nguyễn Đức La, Trưởng thôn Can Bi 2, cho rằng, vấn đề đồng ruộng để hoang tại thôn, cũng như tại xã đã rất rõ, ai cũng có thể nhìn thấy, chứng kiến điều này. Thôn Can Bi 2 có 535 hộ khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng, hầu hết các hộ đã cam kết đồng ý bởi đây là chủ trương đúng, tạo điều kiện cho người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động nông dân, hình thành vùng sản xuất lớn tập trung, phù hợp với xu thế phát triển.
Tuy nhiên, khi thực hiện dồn thửa xong lại nảy sinh tình trạng ruộng đất có sự xáo trộn, có nhiều chân ruộng trũng trong thôn và khi phân chia lại xảy sự thiếu công bằng. Do đó, người nhận ruộng và người chưa nhận ruộng có sự thiếu thống nhất.
Bên cạnh đó, tại địa bàn còn có một số người dân vì chưa đồng ý với việc phân chia ruộng đã tìm cách ngăn cản, gây khó cho nông dân nhận ruộng. Một số trường hợp không nhận ruộng còn phao tin, gia đình nào nhận ruộng đất canh tác sau khi dồn thửa sẽ bị các gia đình không đồng ý nhận ruộng "tẩy chay", việc đại sự trong gia đình của người nhận ruộng đất (cưới hỏi, ma chay) họ sẽ bảo nhau không đến trợ giúp...
Theo ông La, vấn đề bỏ hoang ruộng đất ở thôn và phạm vi xã Phú Xuân hiện nay, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần sớm có biện pháp giải quyết, để làm sao tất cả các hộ dân sớm nhận ruộng để sản xuất, sớm ổn định đời sống, không thể để nhiều người mất việc ruộng đồng phải đi xa tìm kiếm việc làm, sinh sống... Những vấn đề gì tồn tại, việc làm được xác định là sai trái thì địa phương cũng phải có hướng khắc phục sớm.
Qua tìm hiểu, một số người dân khác tại xã Phú Xuân cho biết, việc dồn thửa đổi ruộng ở xã thiếu công khai, dân chủ, bàn bạc thống nhất trong nhân dân từ các bộ phận được giao nhiệm vụ. Việc đấu thầu đất công ích của xã còn nhiều sai phạm; các công trình san, gạt, đường, mương phục vụ dồn thửa tiến độ còn chậm, đất nông nghiệp bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích chưa được giải quyết, chưa được thu hồi và đặc biệt chưa kịp thời giải quyết những thắc mắc, kiến nghị của người dân...
Vĩnh Phúc cần kiểm tra, rà soát kỹ và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dồn điền đổi thửa để trục lợi, nhanh chóng giải quyết những vướng mắc và tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất đoàn kết ở địa phương. Tỉnh cũng yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ các lợi ích và chủ trương đúng đắn của việc dồn điền đổi thửa, kiên quyết xử lý các trường hợp thường xuyên lôi kéo, kích động người dân, cố tình chống đối, gây mất trật tự, giúp miền quê Phú Xuân trở lại ổn định, phát triển...