Kết quả này cho thấy các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đang ngày càng thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên toàn cầu khi Top 50 doanh nghiệp trong bảng xếp hạng VNR 500 năm 2011 đủ tiêu chí về doanh thu để có thể đứng trong bảng xếp hạng Forbes 2000 về Top 2000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu. Danh sách Top 5 doanh nghiệp dẫn đầu VNR500 năm 2011 lần lượt theo thứ tự xếp hạng là: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn và vị trí thứ năm là Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Như vậy, đại diện cho ngành Viễn thông, VNPT trong 5 năm liên tiếp từ 2007 - 2011, đã giữ vững và có bước tiến trong thứ hạng Top 5 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, năm 2007, VNPT đứng vị trí thứ 4, năm 2008 và 2009 đứng vị trí thứ 5, năm 2010 đứng vị trí thứ 4 và năm 2011 VNPT đã tiến lên vị trí thứ 3.
Là doanh nghiệp chủ lực của quốc gia trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông (BCVT), Công nghệ thông tin (CNTT), để đạt được các thứ hạng đó, kết quả SXKD hàng năm của VNPT luôn đạt mức tăng trưởng cao từ 14 đến 20%, lợi nhuận đạt được năm sau luôn cao hơn năm trước. Mặc dù trong 3 năm gần đây, cùng với những khó khăn chung của kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu thì đối với ngành viễn thông, sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Các doanh nghiệp viễn thông, CNTT tham gia thị trường tăng cả quy mô và số lượng, giá cước dịch vụ liên tục giảm... Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực lớn, với những giải pháp thích ứng với một thị trường cạnh tranh, VNPT vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao: Năm 2009 mức tăng trưởng doanh thu đạt 29,7%. Năm 2010 doanh thu tăng 30% đạt 100.000 tỷ đồng. Năm 2011, dự kiến VNPT sẽ đạt doanh thu trên 120.000 tỷ đồng, đóng góp trên 8 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Về thị phần, hiện VNPT chiếm 93% thị phần điện thoại cố định, 60% di động, 75% Internet băng rộng, 100% bưu chính công ích.
Dẫn dầu trong nộp thuế
Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu từ VietNam Report, được sự cố vấn của nhóm chuyên gia trong và ngoài nước, đứng đầu là GS.John Quelch, nguyên Phó Hiệu trưởng Harvard Business School. Năm 2011, Bảng xếp hạng VNR500 được xây dựng dựa trên cơ sở dữ liệu của VietNam Report (VNR Biz Database) và kết quả nghiên cứu số liệu điều tra mới nhất về các doanh nghiệp trên toàn quốc; số liệu điều tra được cập nhật đến hết ngày 31/12/2010. Thứ hạng doanh nghiệp được sắp xếp dựa trên tiêu chí doanh thu. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận và tôn vinh những thành quả mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đạt được. |
Trước đó, VietNam Report, báo VietNamNet và tạp chí Thuế - Tổng cục Thuế cũng đã xếp VNPT là doanh nghiệp dẫn đầu danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam trong ba năm liên tiếp (2008 - 2010) cho ngân sách quốc gia. Theo đó, đứng đầu bảng là Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT, tiếp theo là Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí, Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí VN... Theo đánh giá, mặc dù năm 2010 vừa qua, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu và trong điều kiện thị trường viễn thông - CNTT cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhưng VNPT đã là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực BCVT và CNTT có doanh thu vượt mốc 100.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2011,VNPT phấn đấu hoàn thành doanh thu 130.000 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2010; nộp ngân sách Nhà nước từ 8.450 tỷ đồng trở lên; đặt mục tiêu tiếp tục giữ vững vị trí số một trên thị trường trong nước và đến năm 2015, trở thành một trong 10 doanh nghiệp ICT hàng đầu khu vực châu Á. Song song với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, nhiều năm qua, VNPT cũng là doanh nghiệp đi đầu đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện, khuyến học khuyến tài, vì sự phát triển chung của cộng đồng với số tiền đóng góp lên đến hàng trăm tỷ đồng, riêng 3 năm gần đây (2009 - 2011) là hơn 300 tỷ đồng. Một trong những hoạt động an sinh xã hội tiêu biểu mà VNPT đang thực hiện đó là Đề án phát triển KT - XH 2 huyện nghèo Sìn Hồ và Mường Tè (Lai Châu) với kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng theo Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ. Bên cạnh việc thực hiện Đề án này, VNPT cũng tiếp tục hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo khác trên toàn quốc.
Mục tiêu chiến lược, định hướng phát triển cho giai đoạn 2010 - 2015, VNPT sẽ từng bước chuyển đổi Tập đoàn thành một tổ chức kinh tế linh hoạt, năng động, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và sự thay đổi của công nghệ và thị trường; khẳng định vai trò doanh nghiệp chủ lực của đất nước trong lĩnh vực BCVT, CNTT; tiếp tục xây dựng thương hiệu VNPT trở thành thương hiệu hàng đầu của quốc gia và phấn đấu trở thành một trong 10 doanh nghiệp ICT hàng đầu khu vực châu Á. Về doanh thu năm đến năm 2015, VNPT phấn đấu đạt từ 266.000 - 285.000 tỷ đồng (tương đương 14 - 15 tỷ USD); lợi nhuận từ 23.000 đến 23.600 tỷ đồng, nộp ngân sách từ 13.600 - 14.000 tỷ đồng.
Những nỗ lực này của VNPT tiếp tục khẳng định vai trò là Tập đoàn kinh tế chủ lực của Quốc gia về viễn thông – CNTT, không ngừng phát triển cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc quốc gia hiện đại, đồng bộ và rộng khắp, góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đóng góp to lớn trong việc phổ cập dịch vụ công, phát triển BCVT nông thôn, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước.
Hoàng Yến