Tính đến ngày 31/10/2016, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hơn 2.157 tỷ đồng (tăng 225 tỷ so với năm trước) với trên 70.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Đặc biệt, đối với 16 xã ven biển bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, NHCSXH đã nhanh chóng bố trí nhân lực và nguồn vốn để giải ngân 72,3 tỷ cho trên 1.800 hộ vay vốn để đầu tư sản xuất, chuyển đổi sinh kế, tạo thêm việc làm.
Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, các hội đoàn thể ở địa phương để thực hiện ủy thác vốn vay và tổ chức giao dịch tại 141 xã, phường, thị trấn vào một ngày cố định hằng tháng, tạo điều kiện thuận lợi các hộ vay vốn với chi phí thấp nhất, thủ tục nhanh gọn mà không phải thế chấp tài sản.
Anh Dương Đức Quân, 31 tuổi, Phó Bí thư Đoàn thôn Cang Gián, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, vốn là ngư dân. Từ tháng 6/2016, anh được vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. UBND xã cấp cho các hộ chuyển đổi nghề như anh Quân 1 ha đất cát hoang hóa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Chỉ trong thời gian ngắn, vợ chồng anh Quân đã gây dựng được một trang trại theo mô hình VAC với 100 con lợn, 50 con gà ta, 200 con vịt thịt; đồng thời anh đào ao thả cá, bắt đầu trồng chuối và na. Trong ảnh: Anh Quân vừa xuất bán lứa lợn đầu tiên thu hơn 100 triệu đồng. |
Chị Hoàng Thị Hòa, tổ trưởng tổ TK&VV thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, vừa kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, vay vốn chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để làm dịch vụ ăn uống và chăn nuôi. Tổ của chị có 56 hộ vay với dư nợ gần 2 tỷ đồng, từ năm 2007 đến nay không có nợ quá hạn, gửi tiền tiết kiệm lớn nhất xã với hơn 10 triệu đồng/tháng. Chị đã được Tổng giám đốc NHCSXH tặng Giấy khen cho thành tích đạt được giai đoạn 2010-2015. Trong ảnh: Chị Hòa (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Xuân Tạo (đầu tiên bên trái) và cán bộ NHCSXH đối chiếu sổ vay. |
Bà Trần Thị Quyên, 60 tuổi, ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh trước đây là hộ nghèo được vay vốn mở lò hấp cá, đến năm 2011 đã thoát nghèo. Từ tháng 7/2016, bà Quyên được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm, để đầu tư cải tạo, nâng cấp lò hấp cá với công suất 5 tấn cá/ngày, tạo việc làm cho 15 lao động khi vào vụ. Trong ảnh: Từ vốn vay, bà Quyên mua mới 1.000 vỉ hấp cá trị giá 30 triệu đồng. |
Chị Bùi Thị Oanh, SN 1982, ở thôn Sinh Thái, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị còn dư nợ 50 triệu chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và 12 triệu chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Năm 2010, hai vợ chồng chưa có tài sản gì trong tay, chị Oanh được vay 20 triệu từ chương trình giải quyết việc làm mừng rơi nước mắt. Đến nay, trang trại nuôi lợn của chị đã phát triển quy mô 300 con, chị học hỏi kỹ thuật và có thể tự tiêm phòng, hoạn lợn... Doanh thu từ chăn nuôi của gia đình chị mỗi năm đạt 2 tỷ đồng. Trong ảnh: Chị Oanh giới thiệu thuốc phòng bệnh cho đàn lợn với cán bộ Phòng giao dịch Triệu Phong. |
Ông Hồ Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong vay vốn từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để nuôi lợn và trồng rau màu theo mùa như mướp đắng (mùa hè), đậu, hành (mùa đông). Mỗi năm gia đình ông thu hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rau. Ông Hạnh cho biết đất vùng này là đất cát bạc màu nên người dân rất cần vốn ưu đãi để đầu tư. Tổ TK&VV của ông Hạnh hiện có 57 hộ, dư nợ gần 2,7 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Quang Ngọc, 47 tuổi, là ngư dân ở thôn 7, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, trong thời gian nghỉ đi biển gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm để xây chuồng, mua giống nuôi lợn và trồng rau màu. Ông Ngọc cho biết biển sạch lại tiếp tục ra khơi và vẫn duy trì chăn nuôi, trồng trọt thêm trong gia đình. Trong ảnh: Ông Ngọc chăm sóc vườn rau ném. |