Tính đến ngày 6/3, chỉ số VN Index đóng cửa ở mức 716,29 điểm, đây là mức cao nhất trong 10 năm qua và tăng 7,7% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX Index đóng cửa ở mức 86,55 điểm, tăng 8% so với cuối năm 2016.
Về niêm yết, tính đến cuối tháng 2, thị trường có 708 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn cùng 485 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM với tổng giá trị niêm yết đạt gần 778.000 tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2016.
Thanh khoản thị trường được cải thiện với giao dịch bình quân phiên đạt 7.365 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 6,6% so với bình quân năm 2016. Trong đó giao dịch trái phiếu Chính phủ tăng 7%, giao dịch cổ phiếu tăng 6% so với bình quân năm trước.
Thị trường chứng khoán ngày càng khẳng định vai trò và vị thế trong nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN |
Trong 2 tháng đầu năm, huy động vốn trên thị trường chứng khoán đạt 40.700 tỷ đồng, tuy giảm 27% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị huy động vốn trong tháng 2 lại tăng 79% so với tháng 1.
Liên quan đến một số sản phẩm mới của thị trường như chứng khoán phái sinh, ông Vũ Bằng cho biết, khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh về cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Các quy chế hướng dẫn về niêm yết, giao dịch, thành viên và thanh toán bù trừ cũng đã được Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán(VSD) hoàn tất và chuẩn bị ban hành.
Đại diện VSD ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc cho biết, về kỹ thuật, hiện nay đã nghiệm thu về mặt chức năng hệ thống, phối hợp với các thành viên kiểm tra vận hành.
Hiện nay, số lượng các thành viên quan tâm đến đều có ý kiến băn khoăn về vốn nhưng qua quan sát của VSD, số lượng hiện nay trên dưới 10 công ty, đã đáp ứng yêu cầu về sức ép tăng vốn để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.
Quay trở lại câu chuyện triển vọng của thị trường, theo ông Bằng, càng về cuối năm 2016, những kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất cũng như sự tăng giá của đồng USD đã khiến các quỹ đầu tư trên toàn cầu bắt đầu dịch chuyển vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu. Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 1.545 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và 5.960 tỷ đồng trái phiếu.
Trong tháng đầu năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng với giá trị danh mục đạt trên 18,4 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Nếu tính cả tiền sẵn sàng trên tài khoản gián tiếp thì con số này xấp xỉ 20 tỷ USD.