Vượt 'bão COVID-19', phục hồi và phát triển - Bài cuối: Dấu ấn về phát triển hạ tầng, giao thông

Ngay sau khi kiện toàn vào tháng 4/2021, Chính phủ đã đề ra Chương trình hành động với một trong những trọng tâm là “tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại”, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dành tâm sức, nguồn lực lớn cho hạ tầng

Chú thích ảnh
Dự án đê chống ngập kết hợp với đường giao thông tại xã Giới Phiên, TP. Yên Bái. Ảnh (minh họa): Tiến Khánh/TTXVN

Khi dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà phục hồi mạnh mẽ. Trong tiến trình ấy, đầu tư công sẽ phải tiếp tục đóng vai chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng nguồn vốn đầu tư xã hội và là “cú hích” cho phục hồi kinh tế.

Trong đó, một mũi nhọn đầu tư của Nhà nước là tập trung vào cơ sở hạ tầng, giao thông, từ đó dẫn dắt, thu hút nguồn vốn đầu tư của các khu vực kinh tế khác và toàn xã hội. Đầu tư vừa kích cầu, vừa tạo công ăn việc làm và tạo nên kết cấu hạ tầng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Chỉ tính riêng về hạ tầng đường cao tốc, cả nước đang triển khai và chuẩn bị triển khai xây dựng khoảng 1.900 km, với nguồn lực trên 500.000 tỷ đồng. Chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như vậy cho các dự án cao tốc - dự kiến hoàn thành trong các năm 2025-2026.

Với mục tiêu tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về hạ tầng, các dự án giao thông chiếm ưu tiên đặc biệt trong chương trình nghị sự của Chính phủ nhiệm kỳ này ngay sau khi kiện toàn.

Một năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các Phó Thủ tướng đã có nhiều chuyến công tác tới khắp công trường từ Bắc vào Nam…, với mục tiêu thúc đẩy mạnh mẽ các dự án hạ tầng, dự án phát triển hạ tầng giao thông. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và xây dựng trình các cấp có thẩm quyền để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến cao tốc, trên tinh thần hiệu quả, tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, đạt mục tiêu mà các nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Nhiều vấn đề vướng mắc đã có cơ chế, phương thức hoặc đường hướng để giải quyết, như vấn đề chỉ định thầu với một số gói thầu, vấn đề mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc, việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước cho các dự án…

Quyết tâm của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa mạnh mẽ xuống các bộ, ngành, các công trường thi công. Các dự án chậm đã dần lấy lại tiến độ. Công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh. Hàng loạt dự án giao thông đồng loạt tăng nhân lực, thiết bị, bứt tốc thi công ngày đêm để đáp ứng kế hoạch vốn được giao.

"Hình hài" của hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược trên cả nước đang ngày càng rõ nét, với các công trình trọng điểm được thúc đẩy như Cảng hàng không quốc tế Long Thành; tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tuyến nối Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, khu vực miền núi phía bắc, các tuyến đường ven biển, hành lang kinh tế Đông-Tây…

Những dự án này sẽ giúp từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, trong đó hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược.

Bên cạnh đó, trong tất cả các chuyến công tác tại địa phương, lãnh đạo Chính phủ cũng luôn đặc biệt nhấn mạnh phải dứt khoát khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt. Chính phủ kêu gọi các địa phương "chung tay phát triển hạ tầng", khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại từ Trung ương; đồng thời phải suy nghĩ, tính toán, tiết kiệm tối đa chi thường xuyên, thậm chí "thắt lưng buộc bụng" để dành cho đầu tư phát triển, cho các công trình trọng điểm. Mặt khác, phải đẩy mạnh hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng chiến lược, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt huy động các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước.

Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc

Thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành thường xuyên họp giao ban để đồng hành cùng các đơn vị, địa phương giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm.

Với vai trò là Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hằng tuần, hằng tháng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì giao ban để bám sát và thúc đẩy tiến độ, giải quyết ngay lập tức khó khăn hay vướng mắc. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành thường xuyên có các chuyến công tác thực địa tới các công trường dự án.

Tại các cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhiều lần nhấn mạnh, đây là các công trình trọng điểm quốc gia, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, là mong mỏi của nhân dân cả nước.

Phát triển đường cao tốc sẽ tạo ra động lực mới phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua. Nếu đường cao tốc được làm sớm sẽ giảm chi phí rất lớn. Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để phát triển đường cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Quốc hội đã có Nghị quyết dành nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông trong Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.

"Đây là thời cơ cho nền kinh tế, cũng như các địa phương để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông" - Phó Thủ tướng lấy ví dụ, một nhiệm kỳ ngành Giao thông vận tải có thể được phân bổ 300- 400 nghìn tỷ đồng, nhưng dành cho phát triển cao tốc chỉ khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nguồn lực dành cho cao tốc trong giai đoạn này lên tới 300-400 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, khó khăn cũng rất lớn trong quá trình phát triển cao tốc, gồm khâu giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu xây dựng… Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, phải hoàn thành đầu tư xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc. Phó Thủ tướng nêu rõ, khối lượng công việc lớn, lại phải triển khai trong thời gian rất ngắn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực sự nỗ lực, quyết liệt, đổi mới để "chạy đua với thời gian", khẩn trương hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Không chỉ với các tuyến cao tốc, tinh thần quyết liệt, quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ còn thể hiện đối với các công trình trọng điểm khác. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên có các cuộc khảo sát thực địa, làm việc với các địa phương về việc hoàn thiện hạ tầng cảng biển tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Khánh Hòa…; phát triển hạ tầng sân bay, cảng hàng không như tại Đồng Nai, Điện Biên, Quảng Nam,...

Trong bối cảnh đất nước phục hồi sau đại dịch COVID-19, sự sâu sát, quyết liệt của Chính phủ cùng sự chuyển biến của các đại dự án hạ tầng, giao thông, mang đến nhiều kỳ vọng về đổi thay tích cực của đất nước trong những năm tới.

Xuân Tùng (TTXVN)
Vượt 'bão COVID-19', phục hồi và phát triển - Bài 2: Nỗ lực bảo đảm an sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Vượt 'bão COVID-19', phục hồi và phát triển - Bài 2: Nỗ lực bảo đảm an sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sau một năm làn sóng dịch thứ tư hoành hành, kinh tế đang dần phục hồi và phát triển, nhịp sống bình thường đã thực sự trở lại khi Hà Nội là địa phương cuối cùng trong cả nước quyết định cho trẻ mầm non trở lại trường vào ngày 13/4 vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN