Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,2% ghi nhận trong năm 2021.
Giám đốc toàn cầu về bảo trợ xã hội và việc làm tại WB, ông Michal Rutkowski nhận xét: "Những người di cư giúp xoa dịu các thị trường lao động đang thắt chặt ở các nước sở tại trong khi hỗ trợ gia đình của chính họ thông qua kiều hối. Các chính sách bảo trợ xã hội toàn diện đã giúp người lao động vượt qua những khó khăn về thu nhập và việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các chính sách như vậy có tác động toàn cầu thông qua kiều hối và chúng cần phải được tiếp tục".
Theo một báo cáo trước đó của WB, lượng kiều hối toàn cầu chuyển về các nước nghèo và thu nhập trung bình đã tăng lên 589 tỷ USD vào năm 2021. Năm điểm đến phổ biến nhất của dòng kiều hối toàn cầu là Ấn Độ, Trung Quốc, Mexico, Philippines và Ai Cập. Báo cáo cho hay việc mở cửa trở lại các nền kinh tế sở tại khi đại dịch COVID-19 dần lắng dịu đã hỗ trợ người di cư có việc làm và tạo điều kiện cho họ tiếp tục giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, giá cả tăng cao cũng đã ảnh hưởng xấu đến thu nhập thực tế của người di cư.
WB cho biết thêm dòng kiều hối ước sẽ tăng lần lượt 9,3% ở Mỹ Latinh và Caribea, 3,5% ở Nam Á, 2,5% tại Trung Đông-Bắc Phi và 0,7% ở Đông Á và Thái Bình Dương trong năm nay. Mức tăng trưởng kiều hối của Trung Đông-Bắc Phi năm 2022 sẽ chậm hơn so với năm 2021 và ở mức dự kiến 63 tỷ USD, chủ yếu do thu nhập từ tiền lương thực tế của người di cư tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sụt giảm. Dòng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi phía Nam Sahara có thể sẽ tăng 5,2% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức tăng 16,4% của năm ngoái.
Báo cáo của WB cho rằng tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực dịch vụ khách hàng và y tế của các nền kinh tế có thu nhập cao và giá dầu cao hơn vốn đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho các quốc gia vùng Vịnh đã thúc đẩy nhu cầu về lao động trong năm 2022, qua đó làm gia tăng nguồn kiều hối đổ về khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.