Ngân hàng thế giới (WB) ngày 1/11 đã thông qua chương trình viện trợ trị giá 245 triệu USD nhằm hỗ trợ công cuộc cải cách và phát triển kinh tế tại Myanmar (Mianma).Chương trình viện trợ này sẽ được WB tiến hành triển khai với lộ trình 18 tháng tại Myanmar, trong đó tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo thông qua việc cải tổ hoạt động của các tổ chức nhằm cải thiện các dịch vụ công cộng.
Ngân hàng thế giới (WB) đã thông qua chương trình viện trợ trị giá 245 triệu USD nhằm hỗ trợ công cuộc cải cách và phát triển kinh tế tại Myanmar. Nguồn: Internet. |
WB cũng xúc tiến tư vấn cho Chính phủ Myanmar cách thức hiện đại hóa hệ thống tài chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như hỗ trợ kỹ thuật trong hoạt động quản lý tài chính công và phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân.
Trong khoản viện trợ này, WB cũng sẽ dành 80 triệu USD nhằm hỗ trợ các dự án phát triển cộng đồng tại Myanmar, trong đó cung cấp 25.000 USD cho các ngôi làng ở 15 thị trấn khắp nước này nhằm giúp người dân xây dựng đường giao thông, cầu, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế hay thị trường ở khu vực nông thôn.
Phát biểu trước báo giới tại một buổi hội thảo, Phó Chủ tịch của WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Pamela Cox nhấn mạnh, kế hoạch này nhằm hỗ trợ công cuộc cải cách và phát triển kinh tế tại Myanmar, nâng cao tính minh bạch trong các hệ thống công, đồng thời góp phần nâng cao mức sống cho người dân nước này, đặc biệt là người nghèo.
Bà Cox cũng cho biết ngoài khoản viện trợ trên, WB cũng cam kết cho Nay Pi Daw vay thêm 165 triệu USD sau khi nước này thanh toán hết khoản nợ 400 triệu USD cho WB.
Ngoài ra, WB cũng đang thảo luận với Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) xóa các khoản nợ cho Myanmar vào đầu năm 2013 nhằm giúp nước này có thể tiếp cận với các khoản vay không tính lãi của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) - một quỹ hỗ trợ người nghèo của ADB.
Kể từ năm 1987, WB đã ngừng cung cấp mọi khoản vay cho Myanmar. Tuy nhiên, tổ chức tài chính đa phương này cùng nhiều nhà tài trợ lớn khác đã cho nối lại các chương trình viện trợ sau khi Myanmar cam kết cải cách kinh tế và chính trị, chuyển đổi từ chế độ cai trị quân sự sang dân chủ.
Hồi tháng 8 vừa qua, WB và ADB cũng đã khai trương văn phòng đầu tiên tại Myanmar. Liên minh châu Âu và Mỹ cũng dỡ bỏ hoặc đình chỉ lệnh trừng phạt đối với Myanmar nhằm đáp lại những nỗ lực cải cách tích cực của quốc gia Đông Nam Á này.
TTXVN/ Tin Tức