Nhiều năm nay, cơ sở kinh doanh tỏi của chị Trần Thị Hương, tại xã An Vĩnh luôn trong tình trạng không bao bì, không nhãn mác. Chị Hương cho biết, tất cả tỏi được bày bán đều là tỏi Lý Sơn, nhưng do không có nhãn mác nên chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng. Không chỉ cơ sở của chị Hương, mà hàng chục điểm kinh doanh tỏi khác cũng có tình trạng không bao bì, nhãn mác. Thậm chí, tiểu thương còn bày bán tỏi Lý Sơn chung quầy với tỏi của một số địa phương khác.
“Bán hàng thì tôi cũng mong muốn có nhãn mác, thương hiệu để tạo niềm tin cho khách hàng, mà tỏi Lý Sơn cũng có giá trị hơn, được nhiều người biết đến hơn. Còn hiện nay, do bao bì nhãn mác chưa cụ thể nên khi bán hàng dù chúng tôi có đảm bảo đâu là tỏi Lý Sơn thì người tiêu dùng cũng khó tin tưởng", chị Hương chia sẻ.
Để kiểm soát nguồn gốc tỏi, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đã nhiều lần thành lập đội kiểm tra để kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán tỏi trên đảo Lý Sơn. Ủy ban nhân dân huyện cũng yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh tỏi phải ký cam kết không được trộn lẫn tỏi nơi khác với tỏi Lý Sơn để tiêu thụ dưới nhãn mác tỏi Lý Sơn. Nếu chủ cơ sở kinh doanh bán tỏi của nhiều địa phương khác nhau thì phải có bảng chữ phân biệt nguồn gốc để tránh nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc công khai nguồn gốc tỏi vẫn bị bỏ ngỏ.
Năm 2009, tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu nhãn hiệu tập thể. Tuy nhiên việc quản lý sản xuất, quảng bá, phát triển sản phẩm và gắn nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tỏi Lý Sơn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tỏi trồng ở địa phương khác vận chuyển đến Lý Sơn rồi trộn lẫn nhằm lợi dụng thương hiệu tỏi Lý Sơn vẫn còn xảy ra.
Để bảo vệ thương hiệu tỏi Lý Sơn bền vững, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ngãi, đơn vị tư vấn triển khai xây dựng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Để có căn cứ hình thành chỉ dẫn địa lý, đơn vị tư vấn đã xây dựng cơ sở khoa học các tiêu chuẩn chỉ dẫn địa lý như xác định mẫu đất, mẫu tỏi, nước, khí hậu, thổ nhưỡng, kỹ thuật canh tác để xác định chất lượng đặc thù tỏi Lý Sơn. Đến nay, đề tài này đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để trình lên cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để xây dựng nhận diện hình ảnh riêng biệt của tỏi Lý Sơn. Từ mô tả sản phẩm cũng như là bao bì, nhãn sản phẩm và truy nguồn gốc tem để người tiêu dùng có thể phân biệt được tỏi Lý Sơn với tỏi địa phương khác trên thị trường. Khi có chỉ dẫn địa lý thì người tiêu dùng sẽ biết được mình đang dùng tỏi của hộ gia đình nào trên đảo Lý Sơn, không còn việc tiểu thương lợi dụng nhãn mác như hiện nay”.
Huyện Lý Sơn sản xuất gần 330 ha tỏi, với sản lượng cho thu hoạch trung bình khoảng 8 -10 tấn/ha. Tổng sản lượng thu hoạch cả huyện ước đạt từ 2.000 - 2.500 tấn tỏi/vụ. Mỗi năm nông dân huyện đảo Lý Sơn chỉ sản xuất một vụ tỏi và tỏi được xem là cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho gia đình.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn cho hay, Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn xúc tiến để sớm hoàn thành hồ sơ, được cơ quan chức năng công nhận chỉ dẫn địa lý để giúp cho bà con nâng cao giá trị và truy xuất nguồn gốc tỏi trên địa bàn Lý Sơn. Bởi khi tỏi Lý Sơn bị lợi dụng thương hiệu thì người chịu thiệt lớn nhất chính là người nông dân sản xuất tỏi.
Do đó, khi chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn được công nhận, cơ quan chức năng sẽ có căn cứ bảo vệ quyền lợi, giải quyết tranh chấp thương mại, xử lý các tình huống mạo danh tỏi Lý Sơn đang diễn ra trên thị trường. Tỏi Lý Sơn được bảo vệ thương hiệu cũng sẽ nâng cao được giá trị, giá thành, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con.