Dù mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng nhưng đi liền đó là những bất cập về vấn nạn hàng giả, hàng cấm, không rõ xuất xứ và kém chất lượng. Cùng đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Do đó, cần giải pháp đồng bộ giữa người bán, người mua và cơ quản quản lý nhà nước, nhất là gắn trách nhiệm của sàn giao dịch thương mại điện tử trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm.
Ông Lê Triệu Dũng - Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua, Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia liên tục tiếp nhận và hỗ trợ giải quyết khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử. Đáng lưu ý, các vấn đề phản ánh thường gặp bao gồm chất lượng và số lượng hàng hóa không đảm bảo, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch. Nhóm đối tượng bị tác động chính là trẻ em, người cao tuổi, người dân sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa.
Đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chia sẻ, bình quân mỗi tháng có 2,5 triệu phiên bán hàng livestream với hơn 50.000 người bán tham gia. Tuy nhiên, các sai phạm liên quan đến hàng nhập lậu, hàng giả, trốn thuế diễn biến ngày càng phức tạp. Đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok), bán hàng theo hình thức livestream.
Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng). Ðể tăng niềm tin, họ còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho sản phẩm hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua số lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn để đánh lừa người tiêu dùng.
Mới đây, Bộ Công Thương đã phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng khi mua sắm trên các nền tảng thương mại xuyên biên giới chưa đăng ký tại Việt Nam như Temu, Shein và 18. Bởi trước đó, nhiều người tiêu dùng Việt Nam bị cuốn hút về mức giá rẻ và đa dạng sản phẩm từ các nền tảng này. Thế nhưng, việc mua sắm trên những nền tảng không được cơ quan nhà nước quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng.
Theo khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với 1.000 người tại mỗi quốc gia khu vực ASEAN, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường. Bên cạnh đó, có tới 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả. Đặc biệt, cứ 4 người tiêu dùng có 1 người biết hàng đó không phải là hàng chính hãng.
Chính vì vậy, hiện nay, tại một số quốc gia đã áp dụng việc định danh người bán qua thương mại điện tử khá thành công, nhất là khi có sự phối hợp giữa chủ thể quyền, cơ quan thực thi, sàn thương mại điện tử để đánh giá quy mô, nguồn hàng, kho hàng, địa điểm sản xuất hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để tập trung xử lý, ngăn chặn.
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả.
Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Do đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp.
Mới đây, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và nền tảng Metric.vn đã hợp tác chiến lược nhằm tạo bước tiến mới trong việc bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử.
Bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Thương mại điện tử đang bùng nổ, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ về chất lượng sản phẩm, hàng giả, hàng nhái và các vấn đề an ninh giao dịch. Vì vậy, sự hợp tác với Metric sẽ giúp Hội tiếp tục phát huy sức mạnh, mang đến cho người tiêu dùng một môi trường thương mại điện tử đáng tin cậy và an toàn.
Nhằm đẩy lùi vấn nạn này, đại diện một số công ty luật cho rằng: Các sàn thương mại điện tử cần tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong hệ thống xử phạt để giải quyết tốt hơn hành vi vi phạm. Ngoài ra, với lượng khách hàng và doanh thu lớn, sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho chủ thể quyền cũng như lợi ích người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả. Cùng đó, các sàn phải có cơ chế phối hợp với chủ thể quyền và cơ quan thực thi quyền. Đặc biệt, chủ nền tảng, sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra hành vi xâm phạm quyền trên nền tảng.
Mặt khác, tăng cường trách nhiệm của sàn giao dịch trong việc cấp phép đăng bán sản phẩm hàng hóa; công khai thông tin của người bán và sản phẩm đầy đủ, chính xác; xử phạt nghiêm khắc khi người bán hàng không thực hiện cam kết đảm bảo việc bán hàng không trái với quy định.
Để triển khai giải pháp chống hàng giả trên môi trường online, mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Công nghiệp An ninh, Bộ Công an đã ký biên bản ghi nhớ xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và năng lực xử lý tranh chấp, khiếu nại, bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử.
Đại diện phía cơ quan Nhà nước, ông Lê Triệu Dũng khuyến cáo: Trước khi thực hiện giao dịch, người tiêu dùng cần xác minh, tìm hiểu kỹ thông tin của đơn vị bán hàng; lựa chọn giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ trên sàn thương mại điện tử có uy tín, nhất là sàn thương mại điện tử đã được Bộ Công Thương, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận, cho phép hoạt động.
Ngoài ra, người tiêu dùng có thể liên hệ với tổng đài viên của Tổng đài Tư vấn của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đầu số 1800. để được hỗ trợ quy định pháp lý về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thấy quyền lợi bị xâm phạm.