Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (gọi là Chương trình) đến nay có 35 xã đạt 19 tiêu chí bằng 0,4% tổng số xã tham gia chương trình, 276 xã đạt từ 15-18 tiêu chí bằng 3,2% và 1.071 xã đạt từ 10-14 tiêu chí bằng 18,2% và 3.982 đạt từ 5-9 chỉ tiêu bằng 47%. Với kết quả này, việc đạt được mục tiêu đến 2015, có 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM là rất khó khăn.
Tập trung vốn cho cơ sở
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết: Theo báo cáo, ngân sách Trung ương hỗ trợ chưa đến 5.000 tỷ đồng thực hiện Chương trình nhưng ngân sách các địa phương đã bỏ ra 31.000 tỷ đồng và nhân dân cũng đã góp gần 70.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình. Tuy nhiên, sự đóng góp chủ yếu của nhân dân và ngân sách các địa phương “dồi dào” nên để hoàn thành mục tiêu đến năm 2015, Bộ kiến nghị cần phải có sự ưu tiên hơn, hỗ trợ cho các địa phương khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đường giao thông của xã La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải) - xã điển hình về xây dựng NTM, đã được bê tông hóa. Anh Tuấn - TTXVN |
“Đối với khu vực đồng bằng hay miền xuôi, con đường từ xã vào thôn có tới hàng trăm hộ dân trong thôn chung tay đóng góp cùng với sự hỗ trợ xi măng, kinh phí của nhà nước làm đường. Nhưng đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, để làm một con đường vào bản chỉ có 20 hộ dân thì không thể nào 20 hộ dân có tiền để đóng góp làm đường dài 5-10 km. Vì vậy, nếu không ưu tiên hỗ trợ, đồng bào miền núi không thể làm được đường để hoàn thành tiêu chí trong xây dựng NTM”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Ông Đào Xuân Yên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chương trình thiết thực với các địa phương nhưng Chương trình chưa nhận được sự ủng hộ và vào cuộc của các địa phương trong đáp ứng được 19 tiêu chí xây dựng NTM. Khó khăn nhất “nằm” ở việc xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, trụ sở nhà văn hóa, trạm y tế… bởi kinh phí lớn, trong khi kinh phí trung ương hỗ trợ có “mức độ”, còn nguồn lực địa phương không thể đáp ứng hết.
Cũng theo ông Đào Xuân Yên, Quốc hội có Nghị quyết thêm về 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, trong số vốn này sẽ dành một phần vốn cho NTM. Vì vậy, các địa phương kỳ vọng nguồn vốn này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn để các địa phương hoàn thành mục tiêu đặt ra trong xây dựng NTM.
Ông Triệu Là Pham, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Chương trình không chỉ góp phần tích cực cho nhân dân trong xóa đói giảm nghèo mà còn quy tụ thành cụm dân cư để tập trung xây dựng phúc lợi xã hội trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế… để nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, việc thực hiện theo bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM đối với địa phương còn gặp nhiều khó khăn như tiêu chí về xây dựng đường xá, cầu cống, kênh mương… người dân không thể làm được mặc dù Chương trình nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân.
Thực tế, người dân “hết mình” khi sẵn sàng đóng góp, hiến đất, hiến ruộng nhưng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản “thiếu”, chậm và dàn trải, đầu tư không đồng bộ, đầu tư manh mún đã không phát huy hiệu quả. Vì vậy, Nhà nước cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể cũng như tăng cường phân cấp mạnh hơn nguồn vốn đầu tư về cơ sở để cơ sở chủ động triển khai thực hiện chương trình có hiệu quả.
Chia sẻ về tiêu chí “khó” trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bà Khúc Thị Duyền, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nhấn mạnh: Tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng là một trong những tiêu chí “khó” trong xây dựng NTM nhưng nguồn vốn phân bổ dành cho vùng nông thôn khó khăn nói chung chứ không nhất thiết dành cho vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể trong phân bổ nguồn vốn để hỗ trợ các địa phương hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng NTM cũng như tạo đà cho phong trào để đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn NTM.
“Thoát” nghèo - tiêu chí khó
Cũng theo bà Khúc Thị Duyền, tiêu chí giảm nghèo cũng là tiêu chí “khó” không “kém” tiêu chí về cơ sở hạ tầng bởi đối tượng giảm nghèo thực sự khó khăn để thoát nghèo. Thực tế, hộ nghèo tập trung vào hộ gia đình có người cao tuổi, người không có sức lao động, người khó khăn bệnh tật, ốm đau, thậm chí có hộ nghèo thuộc diện người có sức lao động nhưng thiếu vốn… Tuy nhiên, hộ nghèo trong NTM phần lớn gặp hoàn cảnh khó khăn về nhân lực, nguồn vốn. Vì vậy, cần chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, tạo điều kiện để hộ nghèo thoát nghèo. Bên cạnh đó, đối với NTM, việc quan tâm đầu tư cho hộ cận nghèo rất quan trọng bởi nếu không hộ cận nghèo sẵn sàng biến thành hộ nghèo. Điều này đồng nghĩa với mục tiêu phấn đấu hộ nghèo dưới 3% trong Chương trình là rất khó khăn khi những xã đạt được tiêu chí thoát nghèo không có đầu tư lớn về nguồn lực và tạo điều kiện cho cơ sở thoát nghèo.
“Tiêu chí thoát nghèo bền vững rất quan trọng nên nhà nước cần có chính sách quan tâm đầu tư cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, nâng mức vay tính trên một đầu hộ gia đình để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất. Đồng thời, địa phương cần quan tâm đến vốn giải quyết việc làm, đặc biệt vấn đề đưa ngành nghề trong nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất bền vững nhằm hoàn thành mục tiêu chương trình”. Bà Khúc Thị Duyền nói.
Bà Khúc Thị Duyền cho rằng: Nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia NTM rất lớn nhưng chia trung bình mỗi xã, phường của địa phương thì con số lại thành không nhiều bởi tổng số xã, phường, thị trấn rất lớn. Do đó, trong quá trình phân bổ nguồn vốn, nhà nước cần quan tâm, ưu tiên hỗ trợ cho xã nghèo, xã khó khăn. Tuy nhiên, để đến năm 2015 Chương trình đạt mục tiêu 20% xã NTM, Nhà nước tập trung kinh phí cho các xã không chỉ dành nguồn lực mà cả nội lực, hộ gia đình cũng như xã hội hóa để hoàn thành được nhiều tiêu chí về xây dựng NTM.
Theo ông Triệu Là Pham, cùng với việc tập trung đầu tư vào giao thông để nhân dân thuận tiện trong đi lại, giao thương mua bán hàng hóa, Nhà nước cần đầu tư cho kênh mương - “điều kiện cần” để nhân dân thuận tiện đưa nước tưới tiêu cho cánh đồng nhằm phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống phù hợp… trên cơ sở đó mới có thể xóa đói, giảm nghèo cũng như đưa hộ nghèo thoát nghèo.
Ông Đào Xuân Yên, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Gốc rễ” xây dựng NTM là cải thiện bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống người dân cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao… nhưng để thực hiện cần có sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương về cơ chế, về vốn đầu tư để các hộ phát triển sản xuất, đảm bảo thoát nghèo bền vững.
“Sự vào cuộc của chính quyền địa phương, thay đổi tư duy truyền thống cũng như sự vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn… là một trong những điểm mấu chốt hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM”. Ông Đào Xuân Yên nhấn mạnh. Sự chỉ đạo theo tư duy truyền thống, ngành nông nghiệp chỉ một năm hai vụ lúa truyền thống hay thêm “tí” vụ đông, ngành nông nghiệp không thể phát triển nếu không tư duy thực hiện cánh đồng mẫu lớn, thay đổi giống cây, con…
Theo ông Đào Xuân Yên, khả năng tiếp cận vốn của người dân hạn chế, cũng là điều bí trong nguồn vốn bởi “nghịch lý” trong xây dựng NTM là người dân có tài sản đảm bảo, thế chấp thì lượng vốn vay cũng không nhiều để đầu tư sản xuất hoặc vay không biết làm gì. Nguyên nhân chính ở chỗ những người có khả năng tiếp cận vốn không có ý tưởng vay vốn sản xuất bởi khả năng quản lý kém hay không biết vay để sản xuất gì. Điều này cho thấy, sự vào cuộc của người dân không đủ mà chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ, tư vấn cho người dân những cách làm hiệu quả, có như vậy, chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM mới đạt kết quả đề ra.
Thu Hà