Như vậy khối lượng xuất khẩu cà phê 2 tháng đầu năm nay ước đạt 273.000 tấn và 616 triệu USD, giảm 7,3% về khối lượng nhưng tăng 22,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân tháng 1 đạt 2.257 USD/tấn, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Đức và Mỹ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 16% và 14,7%. Xuất khẩu cà phê sang các thị trường tăng mạnh như: Bỉ (gấp 2,5 lần), Anh (21,8%), Mỹ (20,3%) và Angieri (11,3%).
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, do hạn hán nên sản lượng cà phê trong nước của niên vụ này dự kiến giảm 20%. Nông dân trồng cà phê có xu hướng giữ hàng, hạn chế bán ra với kỳ vọng giá tăng cao hơn, có thể tiếp tục lên đến 50.000 đồng/kg.
Ông Đỗ Hà Nam cũng dự báo về thị trường cà phê, nguồn nguyên liệu đang thiếu nghiêm trọng nên lượng cà phê xuất khẩu sẽ giảm khoảng 30%.
Với thông tin Brazil sẽ nhập cà phê với của Việt Nam, nhưng sau đó lại ngừng nhập khẩu, ông Đỗ Hà Nam cho biết, thị trường toàn cầu ban đầu có ảnh hưởng nhưng sau đó cũng không chịu tác động bởi thông tin trên. Bởi số lượng Brazil định nhập không đáng kể, vấn đề chủ yếu là tâm lý. Với tình trạng khan hiếm hàng sẽ là tín hiệu tốt cho vụ mùa cà phê năm nay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường cà phê trong nước biến động, giảm trong tháng 2 theo xu hướng giảm của thị trường cà phê thế giới. So với cuối tháng 1, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 500 – 600 đồng/kg xuống còn 44.200 – 45.600 đồng/kg.
Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu tháng 3, giá cà phê trong nước đã bật tăng trở lại 700-900 đồng/kg, dao động khoảng 45.200 – 46.000 đồng/kg.