Tính từ đầu niên vụ 2013-2014 (tháng 10-2013) đến nay, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 700.000 tấn cà phê (chiếm 40% sản lượng dự báo), với giá xuất khẩu ở mức khá cao 2.000-2.200 USD/tấn. Dự báo quý II xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi và cả năm vẫn ở mức này.
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN |
Trong đồ thị 30 năm, đây là năm thứ tư liên tiếp cà phê Việt Nam đạt đỉnh cao về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu.
Cơ hội vàng với cà phê Việt NamLần đầu tiên trong 30 năm qua, tình trạng giá giữ vững ở mức khá cao lại kéo dài đến 4 năm, vì theo “quy luật”, Việt Nam chỉ đạt được 1 năm rồi lại rớt giá và phải gần 10 năm sau mới đạt được đỉnh cũ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) Đỗ Hà Nam dự báo, niên vụ 2013-2014, sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt hơn 1,5 triệu tấn, kim ngạch 3 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2013. Giá xuất khẩu cà phê vẫn ở mức cao kéo theo giá thu mua trong nước không dưới 40.000 đ/kg.
Như vậy, trong 4 năm liên tiếp, ngành cà phê Việt Nam xuất khẩu hàng năm trên 1,2 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch hàng năm trên 2,7 tỷ USD và giữ giá xuất khẩu ở mức 2.000 USD/tấn trở lên.
Khó khăn thách thứcTuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành cà phê đang đứng trước một số khó khăn thách thức như: trong số 622.167 ha cà phê đang sản xuất của cả nước, hiện đang có khoảng 86 ha cà phê trên 20 năm tuổi (chiếm 15%); khoảng 140.000 ha từ 15 đến 20 năm tuổi (chiếm 25%).
Bên cạnh đó còn có các thách thức khác như chất lượng cà phê, xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị cà phê, cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ cà phê hòa tan, rang xay…
Hơn thế, trong thời gian tới, khi một số thỏa thuận thương mại quốc tế bắt đầu có hiệu lực hoặc đàm phán xong như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại Việt Nam - EU..., thì mặt hàng cà phê Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Ngoài ra, còn 3 nhược điểm của ngành cà phê là mô hình sản xuất với quá nhiều hộ nhỏ, kinh doanh với quá nhiều doanh nghiệp và xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân…
Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới
Trước những thách thức này, Vicofa đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2014-2017, cụ thể như sau:
Tiếp tục kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt đề án phát triển bền vững cho ngành cà phê Việt Nam. Trong đó, diện tích khai thác ổn định ở mức 570.000 ha, nâng cao năng suất để giữ sản lượng khoảng 1,3 đến 1,4 triệu tấn, xuất khẩu trên 1 triệu tấn/năm. Giữ thị phần xuất khẩu cà phê nhân khoảng 17%; đề xuất các phương án tổ chức lại ngành cà phê để khắc phục 3 nhược điểm: sản xuất quá nhiều hộ nhỏ, kinh doanh quá nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu chủ yếu cà phê nhân.
Triển khai chương trình tái canh cây cà phê: Về chất lượng, tăng cường tuyên truyền và khuyến khích người trồng, hái cà phê chín trên 80%. Đồng thời hướng các doanh nghiệp đưa ra mức giá thu mua cao hơn đối với loại cà phê có tỷ lệ chín cao để hỗ trợ và thay đổi thói quen không phù hợp làm giảm giá trị cà phê. Hướng người trồng cà phê và doanh nghiệp tập trung vào quy trình đầu tư thâm canh vườn cà phê và kết hợp với trồng cây che bóng và sản xuất cà phê chất lượng cao thực hiện quy trình sản xuất theo chứng chỉ cà phê 4C, UTZ, R.A.
Đẩy mạnh đầu tư chế biến cà phê rang xay, hòa tan để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê. Về thương mại, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường nhằm vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Đông Âu; đồng thời đẩy mạnh việc tiếp thị và mở rộng tiêu thụ trong nước nâng mức tiêu thụ lên 15% tổng sản lượng cà phê trong 5 năm tới.
Vicofa cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ đưa chương trình tạm trữ cà phê trở thành chính sách thường xuyên của ngành. Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính thành lập Quỹ phát triển cà phê Việt Nam thay cho Quỹ bảo hiểm xuất khẩu cà phê.
Tuấn Anh (tổng hợp)