Thông tin từ Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 4 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xuất khẩu hơn 40.000 tấn hồ tiêu các loại, đạt giá trị kim ngạch trên 230 triệu USD. Dù lạc quan về thị trường xuất khẩu nhưng hiện hồ tiêu vẫn đang đối mặt với không ít thách thức từ chính nội tại ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành.
Vững ngôi đầu
Chưa bao giờ người trồng hồ tiêu Việt Nam, đặc biệt tại những khu vực trọng điểm như tỉnh Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông... lại vui như hiện nay. Liên tiếp 2 năm từ thời điểm tháng 7/2010 đến nay, giá tiêu xuất khẩu cao ngất ngưởng trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường thế giới đã đem đến những vụ mùa bội thu cho nhà nông. Hiện giá tiêu trong nước dao động ở mức 120.000 đồng/kg, tăng gần 50.000 đồng/kg (tương đương 66%) so với hồi đầu vụ (giữa tháng 12/2010). Với xu hướng giá tiêu tăng cao như trên, theo tính toán của các ngành chức năng, điều nằm trong tầm tay là kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 triệu đô la Mỹ, tăng gần 80 triệu đô la Mỹ so với năm 2010.
Nông dân xã EaNing, huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc hồ tiêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Thống kê của VPA, trong số 44 công ty tham gia xuất khẩu các tháng đầu năm 2011, nổi lên nhiều gương mặt dẫn đầu như Intimex HCM, Phúc Sinh, Trường Lộc, Simexco Dak Lak... Dự kiến xuất khẩu hồ tiêu cả năm 2011 sẽ đạt khoảng 110.000 tấn, nâng kim ngạch tăng gần 2 lần so với năm 2010, đạt con số cao kỷ lục hơn 600 triệu USD. “Hiện giá tiêu bình quân xuất khẩu ở mức cao hơn 6.000 USD/tấn. Đã có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu tiêu Việt Nam, trong đó nổi lên các thị trường trọng yếu như: Trung Quốc, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất...”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA cho biết.
Theo tính toán của các chuyên gia, năm nay ước tính sản lượng hồ tiêu của các quốc gia sẽ bị sụt giảm do dịch bệnh cây hồ tiêu và tình trạng khô hạn. Trong khi đó, Tổ chức Hạt tiêu Quốc tế IPC nhận định, nhu cầu hạt tiêu thế giới trong năm 2011 sẽ tăng thêm khoảng 5%, vì thế dự kiến thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 35.000 - 40.000 tấn và như vậy, giá tiêu trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao. Tại Việt Nam, hiện hầu hết các tỉnh trồng tiêu trọng điểm dự báo vẫn cho năng suất tương đương với năm 2010, ước tổng sản lượng năm 2011 đạt mức khoảng 100.000 tấn. Vì thế, theo ông Nam, ngôi vị đầu trong xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ khó có đối thủ thay thế.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Dù dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, song như nhiều loại nông sản khác, giá xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam thường thấp hơn một số nước như Braxin, Inđônêxia... Nguyên nhân là các doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất sản phẩm thô, qua nhiều kênh trung gian trong khi nhiều nước xuất khẩu hồ tiêu đã chuyển sang những sản phẩm được chế biến có chất lượng cao và tổ chức chặt chẽ trong việc xuất khẩu. Do vậy, dù có sản lượng lớn và có khả năng điều tiết thị trường nhưng các doanh nghiệp vẫn chỉ “chăm chăm” xuất thô, hưởng chênh lệch mà chưa chú trọng đến những đầu tư lâu dài hơn vào các khâu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nhằm gia tăng giá trị hàng hóa...
Khảo sát của VPA, sản lượng hồ tiêu cả nước năm 2011 vẫn có khả năng đạt và vượt năm 2010 với năng suất đạt khoảng 22,5 tạ/ha nâng tổng sản lượng tiêu của cả nước dự báo đạt khoảng 100.000 tấn, tăng hơn 5% so với năm 2010. Tuy nhiên do nhiều năm liền giá tiêu liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước đã dẫn đến thực trạng nhiều hộ dân tìm mọi cách để nâng cao năng suất lên mức tối đa, trung bình có thể lên đến 6 - 9 tấn/ha. Theo ông Nam, để có năng suất “chất ngất” như trên, không ít nhà nông đã can thiệp thô bạo vào quá trình phát triển tự nhiên của cây hồ tiêu bằng các loại phân hóa học, thủ thuật và không theo một quy trình hoặc công thức nghiên cứu khoa học nào. Điều này về lâu về dài sẽ làm cây hồ tiêu suy kiệt và rất dễ phát sinh các dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng sinh trưởng của cây hồ tiêu trong tương lai.
“Không nên mở rộng hoặc tìm mọi cách tăng năng suất theo kiểu tự phát mà cần thâm canh cây hồ tiêu theo lối hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cũng như làm tốt những khâu bảo quản, chế biến...”, ông Nam khuyến nghị.
Lê Nghĩa