Sự kiện đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc mở rộng phương thức vận chuyển nông sản qua đường sắt, giúp giảm chi phí logistics và góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 63 tỉnh thành cả nước có 3 địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất là Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng đề án phát triển cây dừa nhưng chưa được triển khai rộng khắp vì chưa tìm được đầu ra cho cây dừa. Khi Chính phủ ký kết với Trung Quốc nghị định thư về xuất khẩu trái dừa tươi đã mở ra một cơ hội cho việc thực hiện đề án. Đây cũng là cơ hội cho người nông dân trồng dừa tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống.
Theo ông Phan Thế Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trước xu thế hội nhập quốc tế, đường sắt Việt Nam đang nỗ lực phát triển hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường hơn. Với 10 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã mở rộng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu ra quốc tế. Hiện Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dừa tươi. Đặc biệt, việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là đòn bẩy quan trọng, mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
Việt Nam hiện có hơn 200.000 ha trồng dừa, đứng thứ 7 trong 93 quốc gia trên thế giới. Khoảng một phần ba diện tích này đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ và Châu Âu, với vùng trồng chủ yếu tập trung tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre và Tiền Giang. Đây là nguồn cung nông sản chất lượng cao, giàu giá trị dinh dưỡng, có tiềm năng lớn để khai thác cho thị trường quốc tế.
Lô hàng dừa tươi xuất khẩu đầu tiên từ Việt Nam đi Trung Quốc lần này gồm 3 container, tổng trọng lượng 67,5 tấn, dự kiến đến Quảng Châu (Trung Quốc) trong vòng 7 ngày. Việc vận chuyển bằng đường sắt là một phương thức mới, giúp giảm thiểu tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới Việt – Trung và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu trái cây tươi sang các thị trường lớn.
Ga liên vận quốc tế Sóng Thần, nằm tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ quan trọng cho hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản.
Bộ Giao thông vận tải đang triển khai dự án nâng cấp ga, dự kiến hoàn thành vào giai đoạn 2025 - 2030. Sau khi dự án hoàn tất, năng lực của Ga Sóng Thần sẽ đạt khoảng 3,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, trở thành một trong những ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống đường sắt Việt Nam.