Điều đặc biệt nữa là trong khi kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang các thị trường truyền thống lớn như: Mỹ, Nhật Bản giảm thì giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lại tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh thương mại toàn cầu chịu tác động tiêu cực bởi sức mua giảm mạnh, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng tích cực, điển hình như xuất khẩu rau quả chiếm tới 64% tổng xuất khẩu rau quả của cả nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả; trên 800 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; có 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản… Hiện phía Trung Quốc đã đồng ý xuất khẩu thí điểm mặt hàng chanh leo, ớt.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng gồm: dưa hấu từ mặt hàng xuất khẩu truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong xuất khẩu các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.
Với những điểm sáng đã và đang đạt được từ thúc đẩy mở cửa thị trường Trung Quốc cho nông sản Việt Nam, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải tìm hiểu và chuẩn bị thật kỹ những quy định về tiêu chuẩn từ thị trường này. Bởi, Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, đồng thời kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng nông sản, thủy sản, trái cây... nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng quan tâm tới chất lượng nông sản, đặc biệt tại các thành phố lớn người dân sẵn sàng trả với mức giá cao để được tiêu dùng các sản phẩm chất lượng cao, rõ nguồn gốc xuất xứ.
Bởi vậy, người sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cần chú trọng chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng đầy đủ các quy định của nhà nhập khẩu Trung Quốc.
"Như với trái cây, ngay từ vườn trồng phải minh bạch từ quá trình chăm sóc sao cho đảm bảo đúng quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; cơ sở đóng gói cũng cần kiểm soát tốt các vi sinh vật, đối tượng kiểm dịch... để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu", ông Ngô Xuân Nam cho hay.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc, ông Ngô Xuân Nam cũng cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư để tăng năng lực cung cấp dịch vụ logistics, bảo quản hàng hóa theo chuỗi từ vùng sản xuất tới các kho, hay hình thành các Trung tâm cung ứng nông sản tại khu vực cửa khẩu với Trung Quốc.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, chuyển đổi số để tăng hiệu quả, giảm chi phí trong chuỗi liên kết xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc.