Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tăng chỉ số dự báo xuất khẩu hàng nông sản với dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 3,5 tỷ USD; thủy sản đạt khoảng 5,8 tỷ USD; cao su đạt hơn 3 tỷ USD; cà phê đạt 2,6 tỷ USD; điều đạt khoảng 1,5 tỷ USD... Kỳ vọng kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành năm nay với con số 23 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2010) có thể đạt được khi những thách thức từ thị trường kịp thời tháo gỡ.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang gặp thuận lợi
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 4 đạt 2,2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm đạt 8 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu đạt gần 5 tỷ USD, tăng tới 65,1%.
Chế biến mủ cao su tại Nhà máy cao su Phú Riềng. |
Mặt hàng cà phê đang ở thời kỳ bán được giá tốt do dự trữ cà phê toàn cầu niên vụ 2010/2011 giảm mạnh đã hạn chế về nguồn cung. Giá cà phê trong nước đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua, lên 47.000-49.000 đồng/kg. Sản lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 4 đạt 155.000 tấn với trị giá 325 triệu USD, đưa tổng lượng cà phê xuất khẩu 4 tháng lên 675.000 tấn với giá trị 1,4 tỷ USD, tăng 45,4% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị. Đây là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai sau gạo trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo xuất khẩu cà phê năm 2011 ước đạt hơn 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2,6 tỷ USD so với dự kiến trước đó chỉ ở con số hơn 2 tỷ USD.
Cao su - vàng trắng của ngành nông nghiệp cũng được kỳ vọng mang lại nguồn thu ngoại tệ có thể lên tới hơn 3 tỷ USD trong năm nay. Kỳ vọng này dựa trên cơ sở dự báo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên thế giới (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2011 dù tăng nhờ thời tiết tốt, nhưng mức tăng cũng chưa thể theo kịp nhu cầu cao su trên toàn thế giới. Sản lượng cao su của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 780.000-790.000 tấn, tăng 4% so với năm 2010 do diện tích được mở rộng thêm khoảng 40.000 ha. Khối lượng cao su xuất khẩu tháng 4 đạt 40.000 tấn, đưa tổng khối lượng cao su xuất khẩu 4 tháng đạt 204.000 tấn với trị giá 897 triệu USD, lượng tăng 31% nhưng giá trị tăng trên 2 lần so cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước 4 tháng qua cũng đạt 1,6 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản được thể hiện ở tất cả các thị trường tiêu thụ lớn, điển hình như Mỹ tăng 39%, Đức tăng 32%. Thị trường Canađa cũng tăng lượng thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài cá tra, mặt hàng tôm cũng giữ vững lượng hàng xuất khẩu tại thị trường truyền thống là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá trị xuất khẩu thủy sản trong năm 2011 sẽ đạt mức 5,8 tỷ USD, tăng khoảng 0,8 tỷ USD so với năm 2010.
Vẫn còn nhiều thử thách mới
Nhu cầu thị trường lớn, xuất khẩu đang được giá, tuy nhiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định còn nhiều thử thách đối với các ngành hàng xuất khẩu trong năm nay. Đối với gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo trong năm nay các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc mở cửa thị trường xuất khẩu gạo. Nếu như trước đây, để bảo hộ ngành sản xuất trong nước, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài phải liên doanh, liên kết với DN trong nước trong thu mua, xuất khẩu lúa gạo thì từ năm 2011 với việc tuân thủ cam kết WTO về mở cửa thị trường lúa gạo, các DN nước ngoài có thể trực tiếp tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam. Thị trường thu mua, xuất khẩu lúa gạo của các DN trong nước vốn đã nhiều cạnh tranh, nay lại đối phó với sự cạnh tranh của các DN nước ngoài muốn “chen chân” vào thị trường này. Xét về năng lực thị trường, vốn, chỉ có những DN lớn mới có thể cạnh tranh, còn phần lớn DN nhỏ của Việt Nam đều thua thiệt so với các DN nước ngoài. Trong khi đó, trong số hơn 260 DN tham gia xuất khẩu trên thị trường lúa gạo Việt Nam hiện nay chỉ có hơn 30 DN là những nhà xuất khẩu chuyên nghiệp, còn lại là những công ty kinh doanh thời vụ, nhỏ lẻ.
Mặc dù đạt kết quả khả quan, song với thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng dự báo vẫn còn nhiều áp lực cho các mặt hàng thủy sản nước ta trong các tháng tới. Mới đây, thị trường Braxin gây khó cho cá tra về thủ tục giấy tờ nhập khẩu do điều chỉnh quy định mới. Toàn bộ số cá tra xuất đi nước này hiện phải đình lại do phải chờ cấp giấy phép nhập khẩu với thời gian từ 2 - 4 tháng. Ngoài các rào cản kỹ thuật, việc nuôi trồng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khác như giá tôm giống tăng cao gây sốt giá cục bộ, dịch bệnh trên tôm vẫn tràn lan khiến nhiều hộ phải ngừng nuôi...
Với ngành điều, vụ điều năm nay, ước tính cả nước thu hoạch 300.000 tấn điều thô, giảm hơn 21% so với 0 nghìn tấn dự đoán trước đây. Bởi vậy, dự định năm 2011 toàn ngành điều sẽ phải nhập khẩu khoảng 450.000 tấn điều thô để phục vụ chế biến xuất khẩu.
Phạm Thanh Hương