Ông Heng Sour cho biết thêm, xuất khẩu hàng may mặc của Campuchia trong quý I/2020 đã giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ - hai thị trường nhập khẩu hàng may mặc lớn nhất của Campuchia trong tháng 2/2020.
Trong nửa cuối tháng 4/2020, Campuchia có thêm khoảng 10 nhà máy sản xuất hàng may mặc phải tạm ngừng hoạt động do dịch COVID-19, ảnh hưởng tới hơn 6.000 lao động. Trong thời gian tạm nghỉ việc, người lao động được nhận 70 USD/tháng, trong đó Chính phủ Campuchia hỗ trợ 40 USD và chủ nhà máy chi trả 30 USD.
Trước đó, tại cuộc hợp báo chiều 27/4 do Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia tổ chức với chủ đề “Cập nhật tình hình trợ cấp cho công nhân trở lại làm việc sau tết Khmer”, ông Heng Sour cho biết cho đến nay đã có 130 nhà máy sản xuất hàng may mặc nộp đơn xin đóng cửa do các nhà nhập khẩu hủy đơn hàng vì dịch bệnh COVID-19, ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của khoảng 100.000 công nhân.
Hiệp hội các Nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) đang kêu gọi các bên cùng nhau hành động để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo số liệu của Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo Campuchia, nước này hiện có 1.099 nhà máy sản xuất hàng may mặc, giày dép và túi xách.