Xuất khẩu thủy sản 2011: Thắng lớn nhưng vẫn lo

Xuất khẩu thủy sản năm 2011 dự kiến đạt trên 6 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2010). Đây là con số kỷ lục ấn tượng nhất từ trước tới nay của ngành thủy sản. Nhưng phía sau những con số ấn tượng này, ngành thủy sản vẫn còn đó những tồn tại về chất lượng con giống, thức ăn, dịch bệnh...

Bệnh dịch gia tăng

Sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác của Việt Nam trong năm 2011 đạt hơn 5,3 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2010. Xuất khẩu dự kiến đạt trên 6 tỷ USD (tăng khoảng 20% so với năm 2010), đây là một con số rất ấn tượng.

Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh tại Công ty TNHH Thông Thuận - Thongthuan Seafood (Ninh Thuận). Ảnh : Danh Lam – TTXVN


“Năm 2011 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản giai đoạn 2011 – 2020. Chính vì vậy, con số ấn tượng trên báo hiệu triển vọng của ngành thủy sản nước ta”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám cho biết.

Riêng về khai thác thủy sản, tính đến hết ngày 20/12, tổng sản lượng khai thác đạt 2,35 triệu tấn, tăng 2,32% so với cùng kỳ. Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hoạt động khai thác thủy sản năm 2011 hiệu quả và an toàn hơn so với năm 2010, số vụ thiệt hại về người và phương tiện do thiên tai, tai nạn trên biển giảm đáng kể.

“Thành công này là nhờ tổ chức mô hình sản xuất trên biển theo tổ, đội phát huy hiệu quả tích cực. Tính từ tháng 6/2011 đến nay, đã có gần 600 tổ đoàn kết được thành lập mới, nâng tổng số đội sản xuất trên biển của cả nước lên trên 2.400 tổ”, ông Oai cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả ấn tượng trên, ngành thủy sản vẫn tồn tại khá nhiều điểm cần khắc phục ngay để nâng cao chất lượng thủy sản xuất khẩu. Đầu tiên là vấn đề con giống, theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), chất lượng con giống cá tra, tôm nước lợ và cá truyền thống của nước ta hiện rất thấp, tỷ lệ sống của cá tra bột lên cá hương chỉ đạt 20 – 30%. Lượng tôm giống qua kiểm dịch chưa cao, tôm bố mẹ hoàn toàn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên và chất lượng không đồng đều. Bên cạnh đó, chất lượng nhiều loại cá bố mẹ thấp, chưa được chọn lọc, tiêu chuẩn hóa nên có hiện tượng thoái hóa giống.

Một khó khăn nữa là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng thủy sản đang gây ra thiệt hại lớn. Trong đó riêng thiệt hại về tôm nuôi ở đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay tăng đột biến lên đến 85.000 ha với khoảng 15 tỷ con tôm giống, cao gấp 3 lần so với năm 2010.

“Đối với dịch bệnh trên nghêu, cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân khiến nghêu chết hàng loạt. Ngoài ra, lượng thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản của nước ta vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện chúng ta phải nhập tới 50% nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản, trong đó ngô nhập 25%, đậu tương, khô dầu nhập 90%, khoáng, vitamin nhập 95%...”, ông Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản cho biết.

Ngoài ra, cả nước hiện có 130 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phục vụ nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là của doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài (với 80% thị phần) dẫn đến khó kiểm soát về giá. Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn thủy sản tăng tới hơn 35%.

Tìm lối đi bền vững

Để phát triển ngành thủy sản bền vững, trong năm tới, Tổng cục Thủy sản cho biết, sẽ chú trọng tới các vấn đề như tăng cường thanh, kiểm tra, đánh giá phân loại các cơ sở sản xuất giống, thức ăn, các yếu tố đầu vào của sản xuất; đẩy mạnh quy trình VietGAP; nhân rộng mô hình tổ, đội sản xuất trên biển; tăng cường quản lí, hiện đại hóa tàu cá, giảm tổn thất sau thu hoạch...

Về nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện sản xuất giống, sản xuất – kinh doanh yếu tố đầu vào cho nuôi trồng thủy sản như: Chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, thức ăn thủy sản, kiểm soát việc chấp hành quy định về khai thác nhằm bảo đảm an toàn và nâng cao chất lượng.

Năm 2012 ngành thủy sản tiếp tục đề ra mục tiêu đạt diện tích nuôi trồng thủy sản trên 1,1 triệu ha, sản lượng 3,15 triệu tấn; khai thác thủy sản đạt 2,2 triệu tấn; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 6,3 – 6,5 tỷ USD.

Thực hiện chủ trương lớn của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trong năm 2012 ngành thủy sản cũng tiến hành tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung vào những đối tượng có lợi thế cạnh tranh cao nhất. Cùng với đó, ngành thủy sản cũng cơ cấu lại đầu tư theo hướng ngân sách nhà nước tập trung vào những công trình mang tính cấp bách quan trọng để hoàn thiện sản xuất.

“Phải tạo cơ chế tăng cường thu hút vốn đầu tư FDI, vốn xã hội vào phát triển ngành thủy sản. Đồng thời tìm kiếm những giải pháp cấp bách cũng như lâu dài, ví dụ trong khai thác tập trung công tác điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường để giúp ngư dân khai thác hiệu quả. Từng bước rà soát và có chính sách hiện đại hóa tàu cá, đặc biệt là triển khai áp dụng Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ về bảo quản sau thu hoạch”, ông Tám cho biết.

Năm 2012, để đột phá khai thác thủy sản theo hướng hiện đại, Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất Chính phủ phê duyệt đề án tổ chức lại sản xuất, khai thác cá ngừ đại dương theo hướng công nghiệp hiện đại, gắn khai thác với chế biến xuất khẩu.

H.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN