Cụ thể, nếu như nửa đầu tháng 7 xuất khẩu thủy sản vẫn giữ được mức tăng 16% thì sang nửa cuối tháng 7 đã đảo chiều, giảm khoảng 15 - 20% so với nửa đầu tháng, khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng 7 giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 763 triệu USD.
Trong số đó, xuất khẩu tôm trong tháng 7 sụt giảm 4% so với cùng kỳ đạt 374 triệu USD, lũy kế 7 tháng vẫn giữ tăng trưởng 10% với 2,1 tỷ USD, chiếm 43% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Xuất khẩu cá tra và cá ngừ tháng 7 đều giảm khoảng 5%, đạt tương ứng 117 triệu USD và 60,5 triệu USD. Tính đến hết tháng 7, xuất khẩu cá tra đạt 898 triệu USD, tăng 13%, xuất khẩu cá ngừ đạt 416 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Mặc dù vậy, nhờ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nên lũy kế xuất khẩu thủy sản 7 tháng qua vẫn tăng 11%, đạt 4,88 tỷ USD.
Theo phân tích của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nửa đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước vẫn đạt tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, mang lại giá trị 4,1 tỷ USD nhờ doanh nghiệp thủy sản nỗ lực và linh hoạt để ổn định sản xuất, duy trì nguồn cung, tận dụng cơ hội của các thị trường.
Tuy nhiên, từ giữa tháng 7, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 bùng phát dữ dội ở khu vực trọng điểm sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản là Tp. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đúng vào giai đoạn cao điểm thu hoạch, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Các địa phương đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp.
Các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong vùng đã nỗ lực thực hiện nghiêm các quy định nhằm vừa chống dịch vừa duy trì được sản xuất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50% tổng số lao động và công suất sản xuất, chế biến chỉ còn khoảng 40 - 50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 - 40%.
Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách, ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch và vận chuyển. Ước tính nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu những tháng cuối năm có thể sẽ thiếu hụt từ 20 - 30% so với nhu cầu.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do COVID-19 như trang bị cho công nhân làm việc 3 tại chỗ, trả thêm lương, chi phí xét nghiệm hàng tuần, trong khi các chi phí đầu vào và logistics tăng mạnh...
Với thực tế khó khăn hiện nay, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam lo ngại xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm sẽ tuột dốc nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu và thúc đẩy sinh kế cho công nhân, nông - ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch COVID-19 như hiện nay. Vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam kiến nghị cần triển khai sớm và ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động trong nhà máy chế biến thủy sản đảm bảo tiêu chí an toàn, tiếp đó là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.