Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia tích cực vào chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Với các ngân hàng đã và đang tham gia chương trình bình ổn, cần tiếp tục cho vay, giữ ổn định lãi suất và xem xét giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhằm để chương trình này phát huy hiệu quả giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu. Việc giữ ổn định giá các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng là rất cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, khi áp lực lạm phát gia tăng, việc các ngân hàng tham gia tích cực chương trình và giữ ổn định lãi suất cho vay hoặc chủ động xem xét giảm lãi vay càng góp phần thiết thực trong việc bình ổn thị trường trên địa bàn.
Chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh được triển khai thực hiện nhằm ổn định giá cả một số mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm; một số sản phẩm lĩnh vực y tế giáo dục… Trong số đó, ngành ngân hàng thành phố giữ vai trò trong việc tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh hàng bình ổn thị trường giảm giá thành, chi phí sản xuất nhờ tiết giảm chi phí lãi suất nhờ lãi vay tương đối thấp.
Tính đến cuối tháng 2/2022, tổng dư nợ cho vay chương trình bình ổn đạt trên 2.100 tỷ đồng. Doanh số cho vay lũy kế đạt gần 6.000 tỷ đồng cho 35 doanh nghiệp bình ổn thị trường, với lãi suất thấp hơn so với mức lãi suất cho vay bình quân chung. Điều này đã hỗ trợ và mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc bình ổn thị trường, ổn định giá cả và kìm giữ lạm phát trên địa bàn thành phố.
Ngoài yêu cầu tham gia tích cực vào chương trình bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu; quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, các chương trình tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố. Theo đó, các tổ chức tín dụng tích cực tham gia và thực hiện có hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu vốn cho Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cần thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ trong quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động; tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động; thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại; đảm bảo an ninh, an toàn công nghệ thông tin và hệ thống thanh toán…