Câu hỏi nằm trong nội dung câu nghị luận xã hội (4 điểm): Trong cuốn sách “Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng”, Lu-Mannup đã chia sẻ: “Phương Tây có câu ngạn ngữ: 'Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng'. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu. Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.
Câu hỏi “Nếu phải ở trong nước sôi…” khiến cộng đồng mạng không khỏi băn khoăn. Nhiều bình luận cho rằng câu ngạn ngữ hay nhưng “đề thi thật ngớ ngẩn”.
Tài khoản Phan Hữu Hiếu cho rằng: "Lẽ ra đừng bắt 'phải ở trong nước sôi', mà chỉ cần yêu cầu các em trình bày quan điểm, nhận thức của mình về câu trích này. Kèm theo toàn bộ nội câu chuyện".
Nhìn nhận về câu hỏi trong đề thi này, TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho biết: “Câu nghị luận xã hội (4 điểm) gồm ngữ liệu nghị luận và câu lệnh định hướng vấn đề nghị luận. Ngữ liệu là ý kiến của Lu-Mannup trong cuốn sách Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng: Phương Tây có câu ngạn ngữ: 'Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng'. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu! Thật ra, ngay bản thân câu ngạn ngữ này, tôi cũng không thực sự chia sẻ, vì 'nước sôi' không phải lúc nào cũng là 'hoàn cảnh' theo nghĩa 'nghịch cảnh' như cách đọc câu ngạn ngữ, mà là hoàn cảnh khắc nghiệt. Đó chỉ là quan niệm chủ quan, còn đây vẫn là câu ngạn ngữ quen thuộc được nhiều người thường sử dụng”.
Tuy nhiên, theo TS Trịnh Thu Tuyết: “Nhưng đến câu lệnh thì quả thật có vấn đề: 'Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên'. Thông điệp đề bài định hướng cho học sinh là bàn luận về bản lĩnh nội tại trước nghịch cảnh cuộc sống. Vấn đề đặt ra tốt, hữu ích, nhất là trong cuộc sống thời hiện đại có quá nhiều thử thách. Tuy nhiên, cách diễn đạt ý giả định trong câu lệnh 'Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?', khiến người đọc thấy phản cảm và không muốn chọn lựa làm 'củ khoai tây hay quả trứng'. Sự liên tưởng làm tắt ngấm mọi hứng thú bàn luận thông điệp”.
Quan điểm của TS Trịnh Thu Tuyết là: “Cần giản dị, minh triết hơn, nếu thay bằng câu lệnh: 'Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về thông điệp em nhận được từ quan niệm trên'”.