Trao đổi với báo giới, ông Theo Bertram, Giám đốc quan hệ chính phủ và chính sách công châu Âu của TikTok, đã công bố quyết định trên.
Năm 2016, Facebook, Twitter và Google đã hỗ trợ thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử, trong đó các công ty tham gia cam kết đảm bảo sự tiếp cận nhanh chóng, đánh dấu và gỡ bỏ các phát ngôn thù địch cùng các nội dung bất hợp pháp trên các nền tảng của họ.
Các tập đoàn công nghệ hy vọng chứng minh sự thành công của bộ quy tắc này do lo ngại EU sẽ tăng cường trực tiếp giám sát hoạt động của các nền tảng mạng xã hội. TikTok đã trở thành hiện tượng toàn cầu khi người dùng chia sẻ các đoạn video trong 15 tới 60 giây về mọi thứ, từ việc dạy nhuộm tóc tới nhảy múa và những câu chuyện đùa vui về cuộc sống thường nhật.
Với sự tham gia mới nhất của TikTok, người đứng đầu nhóm vận động hành lang của các tập đoàn công nghệ EDiMA Siada El Ramly nhấn mạnh quyết định trên một lần nữa cho thấy các công ty Internet thể hiện trách nhiệm và sẵn sàng phát huy vai trò của mình trong việc đối phó với các phát ngôn thù địch, kích động bạo lực cũng như các thông tin sai lệch.
Trước đó, EU đã công bố các báo cáo mới nhất đánh giá việc thực thi Bộ Quy tắc ứng xử, trong đó cho thấy 90% các nội dung bị đánh dấu được người dùng đánh giá trong vòng 24h, một sự cải thiện lớn so với mức 40% hồi năm 2016.
Có 71% nội dung được xác nhận là phát ngôn thù địch bất hợp pháp đã bị gỡ bỏ thành công, trong khi con số này hồi năm 2016 chỉ đạt 26%. Hiện Ủy ban châu Âu đang soạn thảo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số, được kỳ vọng có thể áp chế tài đối với việc xử lý không phù hợp các nội dung bất hợp pháp.