Cho đến thời điểm này, những gì mà Zara Việt Nam thể hiện tại cửa hàng đầu tiên của mình ở TP Hồ Chí Minh sau 1 năm ra mắt đã chứng tỏ sức hút đáng kinh ngạc của trường phái kinh doanh "fast – fashion" (thời trang nhanh). Liệu hãng thời trang đình đám đến từ Thụy Điển H&M có tiếp tục làm nên chuyện?
Hình ảnh tại lễ khai trương cửa hàng đầu tiên của H&M tại Việt Nam. Ảnh: CTV |
Đối với những "fashionista" (tín đồ thời trang) trong nước, các thương hiệu thời trang nhanh của thế giới như Zara, H&M, Uniqlo đã không còn xa lạ. Tại các nước trên thế giới, người ta có thể dễ dàng mua sắm sản phẩm của các hãng này với mức giá khá bình dân.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, các thương hiệu này mới xuất hiện nên đã tạo nên sức hút rất lớn với người yêu thời trang trong nước. Chị Ngân Hà (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đi du lịch ở Thái Lan thì thấy những thương hiệu này rất phổ biến. Hầu như trung tâm thương mại nào cũng có và việc mua rất dễ dàng. Còn ở Việt Nam, trước đây khách hàng phải đặt hàng online và chờ 7-10 ngày mới nhận được hàng chuyển về. Khi những thương hiệu này mở cửa hàng chính thức thì việc tạo sức hút lớn là điều dễ hiểu".
Ông Phạm Thái Bình, Trưởng bộ phận Bán lẻ, Công ty nghiên cứu Savills TP Hồ Chí Minh cho biết: "Theo kinh nghiệm làm việc với hai đối tác Zara và H&M, chúng tôi nhận thấy, Việt Nam luôn được đánh giá cao về sức tiêu thụ hàng ngoại nhập, bất kể nền kinh tế đang tăng trưởng hay suy thoái. Với thị trường Việt Nam, đơn vị quản lý Zara tại Indonesia đã áp dụng một chính sách giá đặc biệt, thấp hơn các nước trong cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia… từ 15-20%, với những mã hàng chọn lọc. Đối với hãng, phương châm làm nên chiến lược định giá là khảo sát mức tiêu thụ, thu nhập của từng thị trường và định giá sản phẩm dựa trên mức tiền mà khách hàng sẵn sàng bỏ ra".
Đối với thương hiệu H&M, hệ thống các nhà cung cấp và đối tác rộng khắp trên thế giới cho phép thương hiệu này đưa ra mức giá phải chăng và không có sự chênh lệch lớn giữa các thị trường, áp dụng trên hơn 3.000 cửa hàng tại hơn 50 quốc gia.
Nhiều người háo hức đi "săn hàng hiệu" trong ngày đầu mở bán của H&M. |
Tại Việt Nam, Savills dự đoán giá thành của H&M sẽ thấp hơn Zara và mục tiêu hướng đến lượng người mua cao nhất cũng thể hiện trong tiêu chí chọn mặt bằng bán lẻ với diện tích từ 2.000 – 3.000 m2 của hãng. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia thứ 5 mà thương hiệu này có mặt sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Trong tương lai, sự góp mặt của Uniqlo với những mô hình bán lẻ đặc trưng từ Nhật Bản cũng hứa hẹn sự sôi động cho thị trường thời trang nhanh Việt Nam.
Cũng theo đại diện Savills, cách đây khoảng 4-5 năm, các khảo sát từ nhiều đơn vị uy tín quốc tế đã nhận định rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cần 1 thập kỉ để phát triển. Nhưng đến nay, nhiều chuyên gia đã bất ngờ với những gì họ chứng kiến. Bước đột phá đầy ấn tượng của thị trường xuất phát từ nhu cầu mua sắm hàng ngoại nhập giá bình dân bị dồn nén và sự thỏa mãn "nhỏ giọt" từ hàng xách tay.
Hãng thời trang Uniqlo được dự báo sẽ tiếp bước vào Việt Nam. |
Minh chứng cho điều này chính là doanh thu của Zara Việt Nam hiện nằm trong top 5 thị trường bán tốt nhất toàn cầu của hãng. Điều này cũng tạo thêm động lực mạnh mẽ cho các "nhà mốt" khác như Uniqlo, Forever 21… gia nhập thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, các thương hiệu thời trang nội cùng phân khúc như Canifa, Owen, Aristino, BiLuxury chắc chắn sẽ phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh. Bởi với mức giá tương đương trong khi hàng ngoại có thương hiệu nổi tiếng, mẫu mã đa dạng, hợp thời trang hơn thì người tiêu dùng sẽ có xu hướng dùng hàng ngoại.
Nhất là khi những hãng thời trang ngoại đang có kế hoạch mở rộng độ phủ tại thị trường Việt Nam: Zara đã cho phép đặt hàng online, chuẩn bị mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội... Điều này buộc các thương hiệu nội phải thay đổi để có thể cạnh tranh.