Các chuyên gia tài chính dự báo: Nhìn chung, giá cả thị trường trong dịp cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ chỉ tăng nhẹ, không có đột biến về giá xảy ra vì lượng hàng hóa dồi dào. Bên cạnh đó, sức mua của thị trường có khả năng tăng chậm, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến.
Nhiều doanh nghiệp đang triển khai dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Một số chuyên gia kinh tế chia sẻ: Do kinh tế vẫn chưa hết khó khăn nên người tiêu dùng sẽ kén chọn hơn trong việc mua sắm hàng hóa, cũng như tiết giảm tối đa chi tiêu. Thống kê sức mua hàng năm thường năm sau tăng hơn so với năm trước là 20%, nhưng có khả năng thị trường Tết năm nay, sản lượng chỉ tăng khoảng 5 - 10% so với dịp Tết năm trước. “Người tiêu dùng sẽ cân nhắc kỹ hơn khi quyết định và sẽ tìm đến những đơn vị bán lẻ có các chương trình tiếp thị hấp dẫn với giá cả tốt nhất. Người Việt có truyền thống ngày Tết phải đầy đủ thực phẩm, tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi nghĩ, kích cầu đúng lúc là việc làm cần thiết”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan nói.
Trước tình hình này, ngay từ giữa tháng 11/2012, các DN đã đẩy mạnh công tác kích cầu cho thị trường Tết 2013. Kéo dài cho đến cận Tết Nguyên đán, Big C đang tưng bừng khuyến mãi, giảm giá từ 5 - 50% cho hơn 3.000 mặt hàng; tại quầy thiệp “Trao yêu thương, thêm gắn kết” mới được triển khai, khách hàng sẽ được tặng 1 thiệp Tết khi mua phiếu mua hàng trị giá 100.000 đồng. Theo ông Dũng, điểm mới của dịp Tết này, Big C còn thiết kế bao lì xì Big C với giá rẻ hơn từ 20 - 30% so với hàng cùng loại.
“Nguồn cung thị trường Tết từ các DN tham gia bình ổn thị trường chiếm từ 30- 40% thị phần; các chợ đầu mối chiếm 40- 50% thị phần; còn lại từ các DN khác. Ngoài yếu tố khách quan như: tình hình kinh tế, túi tiền của người dân… sức mua Tết năm nay sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan là khả năng kích cầu, quản trị của chính các nhà bán lẻ”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nói.