Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội: Do tình hình kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng đã thắt chặt chi tiêu, kể cả trong dịp Tết. Tôi cho rằng, CPI tháng 2/2013 chỉ tăng 1,32% so với tháng 1/2013 là mức chấp nhận được, nhưng cũng không nên vội mừng. Do nguồn cung, hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa khá dồi dào, phong phú nên thị trường không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương): Tôi cho rằng, với việc chỉ số CPI trong 2 tháng đầu năm tăng hơn 2,5% thì mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức từ 6 - 6,5% trong năm nay là khá khó khăn. Khó khăn trước hết có thể thấy là Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay phải cao hơn năm trước. Theo đó, muốn GDP tăng trưởng cao hơn thì phải đi kèm với các giải pháp tài chính, tín dụng. Thứ hai là có nhiều lĩnh vực năm nay sẽ thực hiện tăng giá theo lộ trình như y tế, điện, xăng dầu. Thực tế cho thấy, trong tháng 1, chỉ có một vài tỉnh điều chỉnh tăng viện phí; trong khi năm nay còn thêm nhiều tỉnh thực hiện chính sách này. Ngành điện cũng xác định sẽ tiếp tục tăng giá theo lộ trình để thu hút vốn đầu tư. Mặt hàng xăng dầu cũng sẽ tăng giá do giá xăng dầu thế giới dự kiến cũng sẽ tăng. Để việc kiểm soát CPI đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn giữa các bộ, ngành. Nghĩa là việc tăng giá giữa các lĩnh vực, ngành đã xác định trong lộ trình cần tránh diễn ra vào cùng một thời điểm. Bài học đắt giá trong việc kiểm soát CPI tháng 9/2012 cho thấy, khi giá dịch vụ 2 ngành y tế, giáo dục cùng tăng đồng thời vào tháng 9 đã làm CPI tháng này tăng đột biến.
TS Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân: Mức tăng CPI năm nay không cao bằng các năm trước do có 2 yếu tố mới xuất hiện. Đó là thời tiết tháng 2 khá thuận lợi cho việc canh tác rau màu, lưu thông lương thực, thực phẩm nên giá cả không bị tăng đột biến. Thứ hai là do kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu nên nhu cầu về hàng hóa cũng không tăng cao, giá lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… không bị đội. Xét theo mục tiêu điều hành, CPI của năm đã mất 1/3, trong khi các tháng còn lại, áp lực tăng CPI còn cao hơn 2 tháng đầu năm. Đó là việc điều chỉnh giá một số mặt hàng, dịch vụ công theo lộ trình. Bên cạnh đó, áp lực tăng CPI còn liên quan đến sự phục hồi của một số thị trường trên thế giới vì liên quan đến một số nguyên liệu mà Việt Nam phải nhập khẩu… Từ thực tế trên cho thấy, các chính sách điều hành để kiểm soát CPI theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra phải hết sức thận trọng. Để kiểm soát CPI hiệu quả, trước hết phải quan tâm đến việc tăng cung hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đủ hàng, tránh thiếu để xảy ra sốt giá. Bên cạnh đó là giảm cầu với các mặt hàng không cần thiết; chú ý đến giải pháp điều tiết tín dụng, không nhất thiết phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. Hai là đảm bảo đủ nguồn cung những mặt hàng thiết yếu. Các mặt hàng xăng, dầu, điện, viện phí… nếu phải tăng thì cần phải có lộ trình phù hợp.
Chị Nguyễn Thúy Bình, số 12/ngõ 298 Ngọc Lâm, quận Long Biên (Hà Nội) Dịp trong và sau Tết vừa qua, tôi thấy giá cả hàng hóa, thực phẩm khá ổn định. Đơn cử, tại chợ Ngọc Lâm (Gia Lâm, Hà Nội), giá cả các loại hàng hóa không hề biến động nhiều, thậm chí mặt hàng rau xanh còn giảm giá. Hệ thống các siêu thị lại có Chương trình bình ổn giá nên nhiều người tiêu dùng thường chọn siêu thị là điểm đến mua sắm. |