Hiện tình trạng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) ở nước ta vẫn khá phổ biến và ngày càng phức tạp. Để tìm ra những giải pháp ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Bình (ảnh), Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh.
Thưa ông! Hiện nay, việc sản xuất hàng giả, hàng nhái, xâm phạm SHTT diễn ra như thế nào?
Nạn hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT ở nước ta hiện nay diễn ra khá phổ biến, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng. Các hành vi xâm phạm SHTT diễn ra ở hầu hết các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, tập trung dưới dạng sao chép nhãn hiệu, sao chép kiểu dáng, mang các chỉ dẫn giả mạo. Tuy nhiên, các xâm phạm quyền SHTT diễn ra nhiều nhất như: quyền tác giả (đặc biệt là bản quyền phần mềm), quyền nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp…
Việc xâm phạm quyền SHTT diễn ra phổ biến như vậy thì có ảnh hưởng gì đến sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp?
Trên thế giới tất cả các quốc gia đều quan tâm đến người tiêu dùng bằng quyền SHTT. Bởi quyền SHTT giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, do đó các quốc gia đã đầu tư nhiều tiền của, công sức để hoàn thiện pháp luật và nâng cao quyền SHTT.
Vi phạm quyền SHTT ảnh hưởng lớn đến phát triển nền kinh tế của một quốc gia nói chung và ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp nói riêng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mất quyền bảo hộ thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. Mỗi một quốc gia có một sản phẩm cạnh tranh trên thị trường rất lớn, mỗi sản phẩm đó mang một nhãn hiệu và giá trị rất lớn. Khi nhãn hiệu đó bị làm giả thì nó ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia. Khi doanh nghiệp mất thị phần trên thị trường thì lợi nhuận sẽ giảm, nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn lớn.
Như vậy có thể nói việc đăng ký quyền SHTT đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Theo ông cho đến nay doanh nghiệp Việt Nam có “mặn mà” với việc đăng ký quyền SHTT không?
Rất nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của SHTT đối với sự phát triển của mình, do đó họ không đăng ký việc xác lập quyền SHTT. Bên cạnh đó, họ ngại va chạm và tiếp xúc với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Chẳng hạn như các cơ quan chức năng pháp luật phát hiện các vụ xâm phạm quyền SHTT và thông báo cho chủ sở hữu quyền thì không nhận được sự hợp tác hoặc không hợp tác nhiệt tình…Tại Việt Nam, trong khi việc xâm phạm quyền SHTT diễn ra khá phổ biến nhưng các vụ kiện liên quan đến quyền SHTT rất hạn chế hầu như chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chính vì vậy, tạo điều kiện cho bọn tội phạm dễ dàng làm hàng giả.
Theo ông để ngăn chặn tình trạng này chúng ta cần có những giải pháp gì?
Trước hết chúng ta cần có một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh mới có thể hạn chế việc sao chép, làm giả sản phẩm và tăng chi phí bắt chước. Về phía cơ quan nhà nước cần phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các văn bản vi phạm pháp luật về quyền SHTT theo hướng thống nhất, dễ hiểu, dễ áp dụng và có tính răn đe cao hơn. Đồng thời tăng cường sự phối hợp đấu tranh giữa các cơ quan thực thi trong việc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền SHTT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các biện pháp tuyên truyền cũng như tự bảo vệ và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chống hàng giả.
Xin cảm ơn ông !
Đ. Phương - H. Tuyết (thực hiện)