Xây dựng và phát triển các chuỗi thực phẩm an toàn “từ trang trại đến bàn ăn” là một giải pháp vừa giúp các cơ quan chức năng cải thiện việc quản lý chất lượng, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, đồng thời cũng góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân.
Tìm đầu ra cho nông sản sạch
Lâu nay, trong sản xuất và tiêu thụ nông sản đang vấp phải một thực tế: Người tiêu dùng thì hoang mang trong việc tìm sản phẩm an toàn, còn người sản xuất ra sản phẩm an toàn lại “bí” đầu ra.
Bất cập trong sản xuất, phân phối rau an toàn
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), việc quản lý an toàn thực phẩm với mặt hàng rau đang gặp khó khăn về nhiều mặt: diện tích sản xuất phân tán, khó áp dụng các quy trình sản xuất an toàn. Địa phương gặp khó khăn do nhân lực, kinh phí, trang thiết bị phục vụ kiểm tra chất lượng thiếu thốn. Việc chứng nhận đối với sản phẩm an toàn cũng phức tạp…
Các loại rau sạch được bán với giá cao so với giá bình quân. |
Mặt khác, việc cung ứng rau an toàn hiện nay còn nhiều khó khăn. Thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho thấy, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình phát triển rau an toàn, đến năm 2011, cả nước chỉ có chưa đến 8,5% diện tích trồng rau được công nhận là an toàn.
Theo TS Đào Thế Anh (Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp), cả nước hiện có 199 mô hình trang trại được chứng nhận VietGAP. Trong đó, 97 trang trại sản xuất quả, 24 trang trại chè, 4 mô hình sản xuất lúa và 7 mô hình trồng rau. Riêng sản xuất rau theo mô hình VietGAP thì có tới trên 90% là các mô hình thí điểm của Nhà nước nên thiếu bền vững, bởi còn có nhiều khó khăn như: thị trường tiêu thụ hạn chế, chưa xây dựng được lòng tin với người tiêu dùng.
Tại những hội thảo về rau an toàn, những hộ nông dân trồng rau an toàn ở Hà Nội phản ánh hiện nay, người trồng rau an toàn rất khó khăn trong việc cạnh tranh với những loại rau không nhãn mác trên thị trường. “Đầu ra” cho rau an toàn vẫn là trở ngại đối với việc mở rộng diện tích rau an toàn.
Trong khi người trồng rau khó khăn tìm thị trường thì người tiêu dùng lại lo ngại chất lượng. Đánh giá về những bất cập trong sản xuất và phân phối nông sản, ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội nhận định: Lâu nay việc sản xuất rau an toàn nói riêng và nông sản sạch nói chung vẫn đang mắc phải một “lỗi hệ thống” là người tiêu dùng luôn lo lắng, hoang mang không biết lựa chọn rau an toàn ở đâu, trong khi đó người sản xuất rau sạch không bán được sản phẩm. Các cơ quan quản lý chất lượng thì luôn phải “chạy theo” để xử lý các sự cố về mất an toàn thực phẩm”.
Đưa nông sản sạch “lên sàn”
Trước yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn, từ giữa năm 2012, Hà Nội đã thí điểm triển khai mô hình cung ứng rau quả an toàn theo cách: thành lập sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn. Hiện tại, toàn thành phố mới chỉ có 300 điểm giao dịch được phân bố trong các khu dân cư, tổ dân phố. Các điểm giao dịch sẽ niêm yết giá cập nhật, người dân đăng ký mua và hàng sẽ chuyển tới đây hàng ngày theo nhu cầu nên không để xảy ra chuyện tồn hàng.
Sự ra đời của mô hình này đã khắc phục được những hạn chế lâu nay trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Các hợp tác xã sản xuất sẽ đăng ký qua Sở NN&PTNT để đưa sản phẩm mình “lên sàn” (chỉ những hợp tác xã sản xuất nông sản sạch mới được phép đăng ký). Trước khi đưa tới các điểm giao dịch, rau quả được giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất ngay từ ruộng, được Chi cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, chứng nhận về chất lượng.
Phương thức này không những chặt chẽ và thuận tiện cho các cơ quan quản lý về giám sát an toàn thực phẩm mà còn giúp giảm nhiều khâu trung gian. Nhờ đó, người tiêu dùng không những được mua thực phẩm với giá hợp lý vì sản phẩm không bị phân phối qua nhiều khâu trung gian mà điều quan trọng, được yên tâm về chất lượng sản phẩm. Cũng với hình thức này, người tiêu dùng sẽ không bị thấp thỏm lo thực phẩm tăng giá chóng mặt mỗi khi có sự bất lợi về thời tiết.
Việc đưa nông sản sạch “lên sàn” cũng có tác dụng điều chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp. “Thông qua phương thức sản xuất và phương thức giao dịch này, các hợp tác xã sẽ điều chỉnh được việc sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, phát huy thế mạnh sản phẩm của địa phương. Chẳng hạn, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) sẽ chuyên về bắp cải, xã Lĩnh Nam, Duyên Hà (huyện Thanh Trì) lại chuyên về cà chua…
Cùng với rau quả, mô hình liên kết sản xuất và phân phối sản phẩm theo chuỗi đã được mở rộng sang các mặt hàng thịt, trứng.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, việc hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là một trong những nhiệm vụ chiến lược của ngành nông nghiệp thủ đô trong thời gian tới. Dự kiến, đến năm 2015, Sở NN&PTNT Hà Nội cơ bản ký kết hợp tác với toàn bộ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn thành phố để cung ứng thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.
Ngày 30/1, thành phố đã ký kết với 16 tỉnh, thành về cung ứng thực phẩm an toàn. Thực hiện chương trình này, tin chắc rằng lượng thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng thủ đô sẽ tăng lên đáng kể trong thời gian tới.
Trên thực tế, để có thể đảm bảo có nông sản thực phẩm an toàn cung cấp cho người tiêu dùng, đòi hỏi sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh buôn bán và các cấp quản lý giám sát chất lượng an toàn thực phẩm cùng vào cuộc.
Mạnh Minh