Trong câu chuyện với chúng tôi, Nguyễn Thị Tiến cho biết, những ngày này, chị đang trong quá trình cùng các đồng đội, với sự trợ giúp của trung tướng Nguyễn Quốc Thước và các tướng lĩnh và cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, tìm kiếm địa điểm của Viện quân Y số 2 tại mặt trận Tây Nguyên. Khu vực đóng quân của viện trong chiến tranh ở vùng rừng Chư Pông là nơi chôn cất nhiều liệt sĩ. Chị đã lên Tây Nguyên hai lần cho công việc này sẽ sớm trở lại Tây Nguyên góp phẩn vào việc tiếp tục tìm kiếm.
Cảm nhận rõ nhất của tôi khi trò chuyện là sự khắc khoải khôn nguôi ở Nguyễn Thị Tiến về việc tìm kiếm gốc tích cho các liệt sĩ từ những di vật các anh để lại.Công việc này chị đã tự nguyện làm hai mươi năm, đến nay, dù tuổi không còn trẻ vẫn dành thời gian tâm sức như một bổn phận thiêng liêng. Ở người phụ nữ này, điều ấy là tiếng gọi thôi thúc bên trong, từ quá khứ hào hùng và đau thương của đất nước trong những năm tháng đã qua.
Hai mươi năm trước, khi là một cán bộ bảo tàng Quân khu 4, Nguyễn Thị Tiến đã tự nguyện đi theo các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Người con gái miển Trung đã sống qua tuổi thơ ác liệt gian khó trong chiến tranh có sự đồng cảm rất tự nhiên với công việc nhân đạo này. Những di vật tìm thấy trong các ngôi mộ, bên những hài cốt vô danh, có sức ám ảnh rất lớn đối với chị. Cho dù là một bức ảnh đã mờ, một bức thư nhoè nét, chiếc lược gò từ mảnh xác máy bay, một bình nước có khắc tên... Chị mong muốn tìm lại thân nhân cho những người đã khuất từ những di vật đó.Một công việc lặng thầm, khó khăn, nhiều khi như người tìm kim đáy bể khi thời gian đã lùi rất xa, các dấu vết mờ dần, nhiều khi ngay cả người trong cuộc cũng không nhớ hết. Có lẽ số phận đã sắp đặt khi Nguyễn Thị Tiến từ một cô giáo ở trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang lại bước vào quân ngũ để rồi chị theo đuổi sứ mệnh nhân đạo nhiều gian nan này.
Không thể kể hết những chuyến đi, những cuộc tìm kiếm gian nan trên các vùng đất nước và sang cả nước bạn Lào; những công việc dò tìm, chắp nối thông tin từ nhiều ngành, địa phương đến các gia đình thân nhân, bạn chiến đấu của các liệt sĩ... mà Nguyễn Thị Tiến cùng đồng đội đã thực hiện. Công việc ấy được chị làm liên tục, bền bỉ suốt hai mươi năm qua. Từ những kỳ vật thu được bên các di hài liệt sĩ, điều khó khăn nhất là tìm kiếm những mối liên hệ về người đã khuất. Nguyễn Thị Tiến đã dành nhiều tâm sức cho việc đưa thông tin tìm kiếm lên các báo Quân Đội, Công an nhân đân, các chuyên mục phát thanh, truyền hình, trên các trang mạng xã hội... Các chương “Người đương thời” chị tham gia cũng là nhằm mục đích này.
Cuộc trò chuyện của nhà báo Bùi Ngọc Hải với Nguyễn Thị Tiến lại nhắc về một khía cạnh khác của công việc chị đã làm. Năm 2000, khi nhà báo Bùi Ngọc Hải làm trưởng cơ quan thường trú của TTXVN tại New York, họ đã gặp nhau khi Nguyễn Thị Tiến thực hiện hành trình trên đất Mỹ trong sứ mệnh tìm kiếm của mình. Chị đã gặp gỡ với nhiều cựu chiến binh Mỹ, thăm các bảo tàng và nơi lưu trữ tư liệu chiến tranh ở cả bờ đông và bờ tây nước Mỹ để tìm kiếm thông tin, kỷ vật về những người lính Việt Nam. Chị đã dự các cuộc gặp với các sinh viên một số trường đại học Mỹ để nói chuyện về số phận con người trong chiến tranh và kêu gọi sự hợp tác , giúp đỡ từ những người thân đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam của họ. Sau đó, một số cựu chiến binh Mỹ , hoặc con em họ sang Việt Nam thăm lại chiến trường xưa và giúp công việc tìm kiếm của Nguyễn Thị Tiến với những thông tin, địa điểm mà họ có được.
Những cố gắng không mệt mỏi của Nguyễn Thị Tiến đã thu được những kết quả đáng khâm phục. Cho đến nay, qua qua các kỷ vật, chị đã tìm lại tên cho 249 liệt sĩ vô danh, đưa hài cốt của của họ về với quê hương và người thân trong gia đình. Đề tài nghiên cứu do chị chủ trì “ Sưu tầm kỷ vật nằm cùng hài cốt liệt sỹ, góp phần xác minh lý lịch tìm tên cho liệt sỹ chưa biết tên", từ cấp Quân khu đã được nâng cấp thành đề tài của Bộ Quốc phòng, được trao giải A vào năm 2003. Chị còn là thành viên tham gia đề tài cấp nhà nước cùng với Viện công nghệ sinh học " Tìm phả hệ cho liệt sỹ bằng Gen Ty thể" trong các năm 2003- 2005. Nguyễn Thị Tiến còn tham gia vào các chương trình của tổ chức Cựu chiến binh Mỹ giúp tìm kỷ vật của những người lính VN trong chiến tranh do lính Mỹ mang về Mỹ ; tham gia đề tài " những linh hồn phiêu dạt" của học viện Quốc phòng và CCB Úc để sưu tầm kỷ vật liệt sỹ và chuyển về cho thân nhân liệt sỹ tại VN.
Trước khi nghỉ hưu với cương vị Phó Giám đốc Bảo tàng Quân khu 4, chị đã đề nghi Bộ Quốc phòng cho xây dựng một ngôi đền trong khuôn viên Bảo tàng quân khu để trưng bày hơn 2.000 di vật liệt sỹ do chị và đồng đội sưu tầm được. Ngôi đển vừa là nơi tưởng niệm liệt sĩ vô danh, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, vừa là nơi cho thân nhân vào xem để thu thập thông tin, kết nối xác minh tên của liệt sỹ - một nhịp cầu tâm linh giữa người sống và người đã hy sinh qua những kỷ vật còn lưu lại.
Mới đây trên Fb của mình (Tiến Nguyễn), Nguyễn Thị Tiến có những chia sẻ xúc động :
- Tôi có tới 5000 bức thư của thân nhân liệt sỹ gửi, nhờ tư vấn khớp nối thông tin tìm liệt sỹ. Có hàng ngàn giấy báo tử đi kèm thư, hàng trăm lá thư cuối cùng của liệt sỹ gửi về trước khi nằm lại ở chiến trường...
Tuổi đã cao, sức khỏe yếu, tôi sợ thời gian trôi đi, những sợi chỉ mỏng manh còn sót lại của thông tin cũng mất dần.Thương và tiếc nuối vô kể !
Tiếng gọi của quá khứ, tình cảm, trách nhiệm với những liệt sĩ và người thân của họ vẫn đang thôi thúc Nguyễn Thị Tiến cùng đồng đội trong hành trình nhân đạo cao cả của mình!