“Mẹ xin góp công sức cùng xã hội chống dịch”
Trong những ngày cả nước cùng chung tay chống dịch COVID-19, hình ảnh một cụ bà ngồi trên bàn máy, cặm cụi may từng chiếc khẩu trang vải đã khiến cho người dân, cộng đồng mạng vô cùng xúc động và thán phục.
Chị Trần Thụy Trúc Sơn, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Phường 5 (quận Gò Vấp) – người chia sẻ những hình ảnh của mẹ lên mạng xã hội, cho biết: “Khi nhìn thấy mẹ Quýt hăng hái tham gia công việc may khẩu trang, mình rất ấn tượng. Ấn tượng nhất là tấm lòng bao dung, nhân hậu của mẹ vì việc gì mẹ cũng không ngại. Tuy tuổi đã cao, sức yếu nhưng mẹ luôn nghĩ cho mọi người. Công việc may khẩu trang không khó nhưng nó đòi hỏi sức khỏe và thời gian để hoàn thành. Tuy nhiên, với mẹ, dường như mọi việc hết sức bình thường và nhẹ nhàng vì đơn giản mẹ Quýt muốn góp thêm những gì có ích cho đời, cho công tác chống dịch cùng xã hội”.
Dù đã 97 tuổi nhưng mẹ vẫn rất nhanh nhẹn. Vào mỗi buổi sáng, mẹ lại cặm cụi bên xấp vải, tỉ mẩn vẽ, cắt để chuẩn bị may những chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Mặc dù đôi mắt của mẹ không còn tinh tường, nhưng mẹ bảo "mẹ may bằng kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề nên các đường kim mũi chỉ vẫn đi theo hướng mẹ muốn". “Dù đôi mắt “một sáng một tối” nhưng mẹ vẫn may được hết. Dù không đẹp bằng các bạn trẻ may, nhưng kinh nghiệm chắc chắn không ai bằng mình", mẹ Quýt tâm sự cười khẳng khái.
Theo mẹ Quýt, khi dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ TP Hồ Chí Minh mà cả nước đều khan hiếm khẩu trang, nhiều người nghèo không có tiền để mua. Ngoài ra, sau khi nghe Nhà nước kêu gọi mỗi người dân góp một chút sức vào công tác phòng chống dịch bệnh, dù nhiều hay ít, cùng đồng hành với Nhà nước, mẹ Quýt đã miệt mài tham gia phong trào may khẩu trang tặng cho người nghèo mà Hội phụ nữ của Phường 5 của quận Gò Vấp phát động.
Mẹ Quýt cho biết, nguồn vải để may khẩu trang được chị em trong tổ dân phố đi xin rồi đưa đến cho mẹ cắt theo mẫu và may. Mẫu khẩu trang cũng được các chị em trong hội phụ nữ làm sẵn, mẹ Quýt chỉ việc vẽ và cắt theo mẫu. Mỗi cái khẩu trang, mẹ Quýt chỉ cắt chừng khoảng 5 - 10 phút là xong. Nếu thấy khỏe, mẹ có thể cắt tới 70 cái/ngày. “Người ta có điều kiện thì góp tiền, mình không có tiền thì đóng góp bằng công sức để cùng Nhà nước tham gia chống lại dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, tham gia may khẩu trang kháng khuẩn phát cho người nghèo mẹ thấy rất ý nghĩa nên mẹ tự nguyện xin tham gia”, mẹ Quýt nói.
Anh Võ Quang Thủy, con trai của mẹ Quýt, cho biết mặc dù tuổi già nhưng mọi công đoạn để làm nên một chiếc khẩu trang hai lớp như cắt vải tạo dáng, đi chỉ, làm dây đeo, may vá… mẹ đều có thể rất làm tốt. "Mấy bữa trước, nghe các chị em trong tổ phụ nữ bàn nhau may khẩu trang vải phát cho những ai cần trong đợt dịch bệnh COVID-19, thế là mẹ đã ngỏ ý tham gia may phụ chị em. Với kinh nghiệm ngồi bàn may hơn 30 năm, cộng với sự nhiệt tình của mẹ nên chị em trong tổ cũng đồng ý cho mẹ làm. Tuy nhiên, gia đình cũng lo lắng cho mẹ, không biết sức khỏe của mẹ có làm được không, nhưng lúc nào mẹ cũng trấn an các con là mẹ làm được. Cứ làm việc từ thiện là mẹ thấy vui mà không thấy mệt mỏi khiến cả nhà cũng vui theo", anh Thủy nói.
Vui vì mình còn có thể giúp ích được cho mọi người
Theo anh Thủy, nếu như mẹ Quýt đã có kinh nghiệm hơn 30 năm may vá thì đã có 21 năm mẹ may vá chỉ để phục vụ việc làm từ thiện. Trước khi may khẩu trang, mẹ đã may hàng trăm chiếc chăn, mền, bộ quần áo để tặng cho người nghèo ở các tỉnh trong suốt 21 năm qua. “Từ khi nghỉ hưu, hàng ngày mẹ tôi vẫn đều đặn ngồi may chăn mền, quần áo để đem tặng cho người dân ở các vùng khó khăn. Thời gian đầu, khi may chăn mền, quần áo xong mẹ thường bỏ vô túi, trong mỗi túi đựng 2 bộ quần áo và một cái chăn, sau đó mẹ đi cùng các hội từ thiện để trao tận tay số chăn mền này cho người dân khó khăn. Tính đến nay, số chăn mền, quần áo do tự tay mẹ may tặng phải tính hàng ngàn cái”, anh Thủy nói.
Theo mẹ Quýt, chiếc máy may như một người bạn thân thiết của cuộc đời mẹ vậy, bởi nó đã gắn bó với mẹ từ khi còn trẻ. Những lúc rảnh rỗi, mẹ lại ngồi vào bàn máy may, có hôm mẹ ngồi may màn, có hôm ngồi may chăn mền, quần áo và những ngày này mẹ lại có thêm công việc may khẩu trang tặng cho hộ nghèo chống dịch. Tất cả những sản phẩm mẹ Quýt làm ra đều chỉ để phục vụ công việc từ thiện, tặng cho những người nghèo.
“Dù sao, nhìn hoàn cảnh mình vẫn còn may mắn hơn do còn có cơm ăn, áo mặc, có con cháu quây quần bên cạnh khi về già. Chứ nhìn thấy ở cuộc sống ngoài kia, nhiều người già vẫn phải sống nay đây mai đó, đói khổ thì lòng mình lại thấp thỏm không yên nên mình giúp được gì cho họ thì cứ giúp, mong sao những người già sẽ không còn phải sống thiếu thốn”, mẹ Quýt tâm sự.
“Gia đình mẹ đã không tiếc máu xương cống hiến cho Tổ quốc trong kháng chiến giành độc lập, tự do. Hôm nay Đảng, Nhà nước kêu gọi toàn dân cùng chung tay chống dịch bệnh bằng khả năng của mình. Mẹ biết may nên mẹ góp sức bằng cách tham gia làm khẩu trang. Mẹ rất vui vì bản thân mình còn có thể giúp ích được cho mọi người”, ánh mắt mẹ lại long lanh!
Chị Phan Thị Hồng Đào, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp cho biết, mẹ Quýt đã làm tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ trong tổ noi theo. Dù tuổi cao, nhưng mẹ vẫn tích cực tham gia các phong trào của khu phố, phường, quận. Việc tham gia may khẩu trang lần này cũng vậy. Mẹ rất nhiệt tình theo cách của mình, mẹ luôn giữ trong mình tinh thần hăng hái của một người làm cách mạng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn.
"Mình không cho mẹ làm vì sợ mẹ lớn tuổi rồi, nhưng mẹ lại năn nỉ làm cho vui chứ ở nhà ngồi không mẹ cũng buồn. Thế là, mọi người bảo mẹ làm được bao nhiêu thì làm, nhưng phải giữ sức khỏe. Hằng ngày, cứ khoảng 2-3 giờ vào buổi chiều, chị em trong Hội đến cùng làm vì việc chung và để mẹ vui", chị Đào cho biết.
97 tuổi, “bà Hai bộ đội” vẫn đi đầu
Mỗi khi có dịp ghé đến khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp, hỏi thăm nhà mẹ Quýt, người dân trong khu xóm nhỏ đều nhiệt tình chỉ đường và không quên giới thiệu tường tận: Đó là “Bà Hai bộ đội”. Bởi bây giờ hay từ thời trẻ tuổi, mẹ đều xung phong, cống hiến sức lực của mình như một người bộ đội ở tuyến đầu.
Trong tiếng máy may đều đặn trong căn nhà nhỏ, mẹ kể rằng khi mẹ đang mang thai đứa con trai đầu lòng thì chồng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Sinh con được 6 tháng, mẹ nuốt nước mắt gửi con cho mẹ chồng nuôi để xin đi bộ đội, tiếp tục thay chồng chiến đấu mong có ngày hòa bình cho đất nước. Sau 4 năm công tác tại Đại đội 85, Tiểu đoàn 330 thuộc Tỉnh đội Thừa Thiên, đóng quân tại làng Vỹ Dạ (Huế), mẹ trở thành cán bộ biệt động thành hoạt động tại Huế.
Mẹ Quýt nhớ lại: “Hai vợ chồng lấy nhau được mấy tháng thì chồng hy sinh khi tham gia chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Khi sinh người con trai đầu lòng được 6 tháng tuổi, mẹ phải đã gửi con cho gia đình nuôi để lên đường tham gia chiến đấu. Mặc dù nhớ con rất nhiều, nhưng do thời gian hoạt động bí mật nên mẹ đành nén nỗi nhớ vào trong. Năm 1975, giải phóng miền Nam – đất nước được thống nhất mẹ mới được trở về quê nhà thì nhận được tin con trai đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường Bình Trị Thiên”.
Nhắc về người con trai và người chồng đã hy sinh, mẹ Quýt nói với giọng đầy tự hào: “Đất nước đang thời chiến tranh, mà đã là thanh niên trai tráng thì phải lên đường chiến đấu để giành độc lập cho đất nước, hòa bình cho dân tộc. Chồng và con đều hy sinh trong chiến tranh nhưng mẹ không oán than gì bởi mẹ luôn tự hào vì chồng, vì con mình”.
Trong suốt thời gian tham gia chiến đấu của mình, mẹ Quýt đã 3 lần bị giặc bắt và tra tấn dã man. Cho đến lần thứ 4, mẹ Quýt bị giặc bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Những vết thương trong các trận đánh cùng những lần chịu đòn roi tra tấn của địch, mắt phải của mẹ đã bị mù và tai phải cũng kém hẳn. Năm 2015, mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng khi cả chồng và con đều là liệt sĩ hi sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc từ năm 1947 - 1966. Ngoài ra, cảm phục trước tấm lòng, đức hy sinh của mẹ Quýt, Công ty Cổ phần 32 (Tổng cục Hậu cần) cũng đã nhận phụng dưỡng mẹ Quýt suốt đời.
Mẹ Quýt cho biết, thời chiến tranh đói khổ, bộ đội phải ăn ngủ trong rừng, thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần nhưng đó là vì mục đích chiến đấu để giành độc lập tự do cho người dân, cho Tổ Quốc. Sau ngày giải phóng, cuộc sống của bộ đội có khá hơn, lúc này bộ đội tham gia vào sản xuất phát triển kinh tế, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, đảm bảo an ninh quốc gia. Trong tình hình hiện nay, khi dịch bệnh hoành hành, bộ đội lại là lực lượng đi đầu trong công tác chống dịch. Dù là chống giặc xâm lăng hay tham gia chống dịch bệnh, bộ đội luôn có một nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ và sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ nhân dân, phục vụ nhân dân.
Với tinh thần ấy, dù đã 97 tuổi, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, người dân thiếu khẩu trang để phòng bệnh, mẹ lại một lần nữa đã phát huy tinh thần của một chiến sĩ tuyến đầu, ngày đêm cặm cụi may khẩu trang để tặng người dân nghèo cùng phòng chống dịch.
“Thông qua công việc của mẹ Quýt, mình mong muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ ngày nay cần biết quan tâm, chia sẻ yêu thương nhiều hơn với mọi người và cộng đồng. Đặc biệt, khi cả nước cùng tham gia phong trào “chống dịch như chống giặc” hiện nay rất cần sự phát huy của sức trẻ. Việc các bạn trẻ chung tay tham gia chống dịch sẽ giúp Nhà nước mau chóng đẩy lùi dịch bệnh, để mọi người trở lại cuộc sống bình thường như trước. Đồng thời, mong muốn các bạn trẻ đóng góp, sáng tạo nhiều mô hình hay về công tác xã hội, an sinh xã hội để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống”, chị Trần Thị Trúc Sơn nói.