Hơn 5.000 tư liệu về Bác Hồ
Chúng tôi tìm đến căn nhà của cựu chiến binh Vũ Khắc Đài, 70 tuổi, trú ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang. Trong không gian chật hẹp chưa đến 10 m2 của phòng khách, ông Đài đã dành một vị trí đặc biệt cho hơn 5.000 bức tranh ảnh, tư liệu và sách báo viết về Bác Hồ. Ông Đài sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Ninh Bình, học hết lớp 10, ông tham gia vào quân đội và công tác ở sư đoàn 312. Tháng 9/1969, khi Bác mất, ông được tuyển chọn vào đội quân tiêu binh và có mặt trong lễ truy điệu trọng thể Người.
Cựu chiến binh Bùi Xuân Phước trước bàn thờ Bác Hồ. Ảnh: vtc.vn |
“Nhiều lúc ngồi một mình, nhớ lại khoảnh khắc ấy, tôi tự nhủ chính mình phải làm một điều gì đó để tưởng nhớ công ơn của Bác. Sau này (1977), từ chiến trường ở Lào trở về, tôi liền bắt tay vào sưu tầm, đến nay tôi còn biên soạn các tài liệu liên quan đến Bác Hồ”, ông Đài chia sẻ.
Chứng kiến người cha đang ngủ, lại bật dậy ghi chép tài liệu đến tận 2 - 3 giờ sáng, những đứa con của ông không khỏi lo lắng cho sức khỏe đã đến tuổi “xế chiều” như ông. Hiểu cho những lo lắng của con cái, nhưng ông bảo, điều mà ông đang làm bây giờ không đơn thuần là công việc nữa mà đó là đam mê, là niềm vui tuổi già.
Trong “thư viện” nhỏ này, nguồn tư liệu chủ yếu được sưu tầm từ các loại sách, báo. Một số cựu chiến binh khi đến đây đọc sách, thấy hay, bổ ích họ lại đóng góp thêm các đầu sách, báo. Từ nguồn tư liệu có được, người cựu chiến binh tâm huyết này phân chia thành các chủ đề như, Bác Hồ với bầu cử Quốc hội, Bác Hồ với thiếu nhi, phụ nữ, nông dân; Bác Hồ trong hoạt động quốc tế và với lực lượng vũ trang. Tất cả đều được đóng, ép dán cẩn thận.“ Một số bạn đọc thân hữu của tôi khi nhìn thấy những tư liệu tôi có cũng muốn xin về nhưng tôi chỉ đồng ý cho sao, in chứ tài liệu đó, giờ có tiền cũng không biết mua ở đâu”, ông Đài cho hay.
Hiện nay, “thư viện” của ông ngoài những tư liệu sưu tầm thì còn có các tập sách do ông viết tay như, “Nhật kí trong tù”, “Giữ yên giấc ngủ cho Người”, “Tên gọi, bút danh, bí danh của Hồ Chí Minh”, “Cuộc đời, sự nghiệp, quê hương gia đình”… Ông Đài cũng cho biết thêm, khi thực hiện biên soạn những tài liệu trên, ngoài sách, báo ông còn dựa trên thông tin của các đồng đội, nhân chứng lịch sử và cả những học giả chính trị uy tín hàng đầu của nước ta.
Đặc biệt, ngoài thời gian sưu tầm, biên soạn tài liệu và phục vụ “bạn đọc” thông tin, ông còn đến các Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên của các phường trong thành phố để nói chuyện. “Tham gia vào buổi nói chuyện ở Hội Cựu chiến binh xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, tôi vừa đọc xong bài diễn văn về Bác Hồ trước lúc lâm chung, cả hội trường ai cũng khóc. Đến khi tôi ra về, có người còn ôm tôi cảm ơn trong nghẹn ngào nữa”, ông Đài nhớ lại ấn tượng buổi đầu đi làm công tác tuyên truyền.
Bán cả nhà để xây "bảo tàng" về Bác
Ông Bùi Xuân Phước, quê gốc ở Đà Nẵng nhưng lớn lên ở Phú Yên. Thời thiếu niên, ông hoạt động thiếu sinh quân ở thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), rồi nhập ngũ thuộc Sư đoàn 305, hoạt động chính tại mặt trận Quảng Nam –-Đà Nẵng. Sau giải phóng, ông là một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng và quản lý Bảo tàng Phú Khánh (hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa ngày nay). Cũng từ đây, ý nghĩ thành lập một bảo tàng cá nhân được ấp ủ, hễ nghe ở đâu có hiện vật hay tư liệu liên quan đến Bác Hồ, ông đều tìm đến xin họ để được in sao. “Tôi chỉ muốn xây dựng một khu trưng bày để thể hiện lòng kính yêu Bác, giúp người già, người trẻ hiểu thêm về con đường Người đã đi, đã chọn”, ông giải thích.
Năm 1994 khi đã về hưu, ông thực hiện chuyến đi bằng xe máy từ Nam ra Bắc để tìm gặp đồng đội cũ, nêu ý tưởng thành lập bảo tàng và nhờ họ giúp đỡ. Đến nay, tại “bảo tàng”của ông có hơn 100 tư liệu, hiện vật, hình ảnh. Trong số đó, đáng chú ý là bức ảnh khổ lớn về “thời khắc Bác lâm chung”, được trưng bày trang trọng ở gian chính. Trước đó, bức ảnh này chỉ có khổ nhỏ là 18-24 cm, do một gia đình quê ở Phú Yên, có người thân là cán bộ gần gũi bên Bác, đã gửi tặng cho ông năm 1995. “Ngày đó, ở thành phố Nha Trang không có tiệm ảnh nào đủ khả năng in sao bức ảnh trên thành khổ lớn nên tôi dành cả tuần để vào tận Thành phố Hồ Chí Minh làm việc này”, ông Phước lý giải nguồn gốc bức ảnh.
Năm 1997, với số tài sản tích cóp có được cùng với vay mượn của đồng đội xưa, thậm chí là bán cả căn nhà ở thành phố Nha Trang, ông bắt tay vào xây dựng, nhưng mãi đến năm 2000, phòng trưng bày về Bác Hồ tại nhà ông mới được khai trương. Chưa dừng lại ở đó, ông tiếp tục mở rộng các hạng mục như Tượng đài chiến sĩ, bê tông hóa các lối vào nhưng công việc này đôi lúc bị gián đoạn do thiếu kinh phí. Đến năm 2010, toàn bộ hệ thống các công trình mới chính thức hoàn thành. "Lúc đầu, mọi người bảo tôi có bao nhiêu tiền thì hãy để dưỡng già, đầu tư làm công trình rồi lấy gì để ăn. Thế nhưng khi thấy tôi làm nên chuyện, nhiều người thán phục lắm, họ còn gom góp tiền ủng hộ để tôi mở rộng dự án nữa", ông Phước cho biết.
Ngày nay, trong khuôn viên rộng hơn 2.000 m2 là khu vực nhà trưng bày về Bác Hồ, tượng đài chiến sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hệ thống cột phun nước hình hoa sen... Đường dẫn vào nơi bức tượng Bác Hồ với đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc (thời kỳ 1941 - 1945) đặt trên đài sen là hàng râm bụt thẳng tắp. Xung quanh khuôn viên “bảo tàng” còn là cây trái của ba miền đất nước, là hồ sen, ao cá.
Mới đây, ông Phước xây dựng thêm khu nhà hội họp làm chỗ nghỉ ngơi và giao lưu của đồng đội, người tham quan. Thời gian tới, ông tiếp tục xây phù điêu dãy Trường Sơn phía sau tượng đài chiến sĩ và hoàn thiện phòng trưng bày các tư liệu về văn hóa Chăm Pa.
Dù đã bước sang tuổi 70, nhưng ông Vũ Khắc Đài và Bùi Xuân Phước vẫn tự nhủ với nhau rằng sẽ sưu tầm cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Bởi lẽ, với các ông, mỗi hiện vật không chỉ chứa đựng những câu chuyện cảm động về Bác, mà còn là tình cảm tôn kính dành cho Bác và là sợi dây liên kết giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước.
Ông Ngô Mậu Chiến, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay, Hội có hai thành viên tham gia sưu tầm các tư liệu về Bác và việc sưu tầm tư liệu để tạo nên một “bảo tàng” như của ông Phước, một “thư viện” như của ông Đài đòi hỏi công sức và tiền của rất nhiều. "Quan trọng hơn cả, trong mỗi công trình của các anh đều xuất phát từ cái tâm mà làm nên, được các anh em đồng đội rất quý. Thời gian tới, Hội sẽ thường xuyên tổ chức đến các địa điểm trên để cho các hội viên đến tham quan và học tập", ông Chiến nói.