Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ lực lượng kiểm soát dịch tuyến đầu, hưởng ứng vào công cuộc chung phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố.
Các lực lượng đoàn viên, nhà giáo, người lao động tham gia thực hiện chương trình sẽ tham gia sơ chế thực phẩm và thực hiện chia khẩu phần ăn cho lực lượng kiểm soát dịch. Mỗi ngày “Bếp ấm” sẽ cung cấp khoảng 500 suất ăn cho các chốt kiểm soát y tế dẫn vào trung tâm thành phố Cần thơ và một số chốt khác trên địa bàn quận Ninh Kiều và Cái Răng.
Theo ông Phương Tấn Đạt, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở trường Phổ thông Thái Bình Dương, Phó Ban thường trực điều hành Mô hình “Bếp ấm”, kinh phí chủ lực của mô hình được lấy từ nguồn xã hội hóa, bên cạnh đó là sự đóng góp của các giáo viên, cán bộ công nhân viên công đoàn ngành giáo dục thành phố Cần Thơ. Đặc biệt, bên cạnh tiếp nhận tiền thì mô hình còn tiếp nhận cả những hiện vật là những nguyên liệu, nhu yếu phẩm như: gạo, nước, nông sản, thịt, cá… , điều này tạo điều kiện để nhân dân thành phố thể hiện tinh thần đoàn kết, Ban tổ chức cũng huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, Phó trưởng ban điều hành mô hình “Bếp ấm” chia sẻ: thấu hiểu những khó khăn, vất vả của lực lượng phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát y tế, ngành giáo dục thành phố Cần Thơ quyết định thực hiện mô hình “Bếp ấm” nhằm góp phần tạo ra những bữa ăn chất lượng để lực lượng phòng, chống dịch có đẩy đủ sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
17 đơn vị trường học phổ thông trên địa bàn sẽ phân bổ lực lượng tham gia Mô hình cho 2 giai đoạn, đợt 1 diễn ra từ ngày 29/6 đến 15/7 sẽ có 10 đơn vị trường học tham gia, đợt 2 từ 16/7 đến 31/7 với 7 đơn vị. Sau khi kết thúc 2 giai đoạn, tùy theo tình hình dịch, Ban tổ chức sẽ quyết định việc có tiếp tục mô hình hay không, cũng như việc điều chỉnh quy mô, phương thức hoạt động của chương trình.