Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, với vốn kiến thức có được sau những năm tháng theo học ở Thủ đô và với ý chí quyết tâm làm giàu, Nùng Văn Nên đã quay về nơi mình sinh ra để bắt đầu khởi nghiệp và thực hiện ước mơ làm giàu.
Nhận thấy đất đai địa phương màu mỡ, thích hợp với một số cây ăn quả lâu năm, anh quyết định tập trung vào mô hình này để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Bằng số vốn gia đình tích góp, năm 2012, Nùng Văn Nên bắt đầu lấy 100 gốc giống ổi Đài Loan từ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về trồng trong vườn nhà.
Anh Nùng Văn Nên cho biết: “Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc, phòng và chữa bệnh cho cây ổi nên mô hình không mang lại hiệu quả”. Không nản chí, Nùng Văn Nên lên mạng tìm kiếm thông tin, học hỏi thêm về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ổi. Qua các video, bài báo hướng dẫn và trao đổi trực tiếp với bạn bè, cán bộ chuyên môn khi anh gặp phải những vấn đề phát sinh trong quá trình chăm sóc cây ổi, phát hiện sâu bệnh lạ trên cây trồng, anh từng bước xác định phương pháp chăm sóc phù hợp.
Nhờ mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, mô hình ổi Đài Loan của anh bước đầu mang lại hiệu quả. Vườn ổi của anh vừa có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết, lại phù hợp với thổ nhưỡng nên phát triển tốt và cho quả có chất lượng cao. Ngoài ra, anh sử dụng các trang mạng xã hội như facebook, zalo để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ổi sạch của gia đình.
Những lứa quả tiếp theo bán ra thị trường được khách hàng trên địa bàn ưa chuộng vì giống quả thơm, ngon, ngọt, ít hạt. Cuối năm 2014, anh tiếp tục nhân rộng trồng ra khắp vườn với trên 200 gốc. Không dừng lại ở đó, năm 2017, Nùng Văn Nên vay Ngân hành Chính sách Xã hội huyện 100 triệu đồng để tiếp tục đầu tư mô hình trồng ổi Đài Loan với diện tích gần 4ha.
“Hiện nay, gia đình tôi có khoảng 1.000 gốc, trong đó có gần 500 gốc đang cho thu hoạch quanh năm với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg; trừ chi phí cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”, anh Nùng Văn Nên cho biết.
Khi có thu nhập ổn định từ cây ổi, với suy nghĩ phải tạo ra thương hiệu cho sản phẩm, năm 2018 anh Nùng Văn Nên quyết định thành lập tổ hợp tác xã thanh niên Hua Nà triển khai sản xuất ổi thương phẩm theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm.
“Với tiêu chí sản phẩm sạch, an toàn được đặt lên hàng đầu, hàng ngày tôi trực tiếp chăm sóc và theo dõi kỹ thuật cho vườn ổi đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP, không sử dụng thuốc bảo vệ, không chất kích thích. Sản phẩm ổi của Hợp tác xã thanh niên Hua Nà đã có mã QR truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể dùng phần mềm để kiểm tra nguốn gốc, chất lượng của sản phẩm. Nhờ vậy, ổi ngon, được mọi người tin dùng đặt số lượng lớn để làm quà biếu", anh Nùng Văn Nên cho biết.
Ngoài ra, gia đình anh còn sản xuất cây giống cung cấp cho các hộ ở xã, trong và ngoài huyện. Bên cạnh đó, anh còn trồng xen cây thanh long, cây bưởi, kết hợp chăn nuôi lợn gà, đào ao thả cá, phát triển giống lúa Séng Cù để tăng thu nhập cho gia đình.
Hiện nay anh Nùng Văn Nên là Chủ nhiệm của HTX thanh niên xã Hua Nà với ngành nghề chủ yếu về phát triển nông lâm nghiệp trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho 7 lao động có thu nhập từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Ngoài việc chăm lo sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, anh Nùng Văn Nên luôn vận động các hộ trong và ngoài xã cùng làm theo. Hỗ trợ các hộ về cây giống, đặc biệt là hướng dẫn, tư vấn cho các hộ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh vườn cây ăn quả.
Không những vậy, anh còn giới thiệu khách hàng thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ dân trong xã. Học theo anh, hiện nay tại xã Hua Nà đã có trên 10 hộ trồng ổi với quy mô từ 1,5 - 2,5 ha/hộ; thu nhập, đời sống các hộ không ngừng được cải thiện; tinh thần đoàn kết luôn được giữ vững, góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Anh Nùng Văn Nên chia sẻ: “Tôi chỉ có một mong muốn nhỏ là các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho sản phẩm ổi xã Hua Nà được quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Giúp các hộ dân trong xã mở rộng quy mô, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao”.