Chuyện học chữ ở Tá Bạ

6 giờ sáng, hồi trống gọi học sinh thức giấc của trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Tá Bạ, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vang vọng khắp những khu rừng già xung quanh.

Thầy cô giáo trong trường đốc thúc các em thức dậy cho kịp giờ học, còn phụ huynh cũng gùi trên lưng những bó củi nhỏ đến trường để góp “lửa” nấu cơm cho con, em đang học tại đây.

Cô và trò trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tá Bạ.


Là trường học ở vùng cao khó khăn, nên cơ sở vật chất của trường chỉ đáp ứng được phần nào hoạt động học tập của thầy và trò. Phòng học là những gian nhà bán kiên cố, nhiều phòng học tạm dựng bằng sắt thép mỏng kiểu thùng container được chằng chéo để chống gió lốc.

Cũng chính vì những khó khăn chung mà số phòng ở bán trú chỉ đáp ứng cho trên 60% học sinh, số học sinh còn lại phải ở ngoài trường hoặc ở nhờ nhà người thân. Mặc dù vậy, những học sinh ở ngoài vẫn được các thầy cô kèm cặp giờ giấc, thường xuyên buổi tối đi kiểm tra, buổi sáng gọi đi học đều.

Nhà ở bản Nhóm Pó, cách trường học chừng 6 tiếng đi bộ băng rừng, em Pờ Ý Pư , học sinh lớp 9, chia sẻ: “Được đi học có bạn bè, có thầy cô em rất vui. Ở nhà, bố mẹ cũng khuyên em cố gắng theo học để sau này có điều kiện phấn đấu cho cuộc sống đỡ nghèo hơn. Em rất thích đi học vì ở đây được ăn, được uống đầy đủ hơn ở nhà. Các thầy cô giáo luôn quan tâm chăm sóc, tạo nhiều điều kiện cho chúng em học tập”.

Trong số những học sinh bán trú giàu nghị lực học tập ở trường Tá Bạ, phải kể đến Lỳ Ló Xá. Ló Xá là người dân tộc La Hủ, nhà ở bản Là Pê I, cách trường gần 3 tiếng đi bộ. Không có gì là đặc biệt với cậu học sinh lớp 7 này, nếu như cậu không bị mất đi một chân, nhưng Xá không hề tự ti, vẫn vui vẻ, hoà đồng với bạn bè, rất ít khi bỏ lớp, bỏ trường.

Ló Xá cho biết: “Mùa khô em mới hay về nhà, còn mùa mưa nước suối lớn khó đi cháu ít về hơn. Đi học, ở bán trú vui lắm, các bạn với thầy cô giúp đỡ rất nhiều, không cảm thấy mình thiệt thòi hơn các bạn…”.

Thầy Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 33 lớp, với hơn 420 học sinh; trong đó có 8 lớp học ghép ở hầu hết 8 điểm bản trong xã. Các em học sinh đều là người dân tộc La Hủ. Thời gian qua, tỷ lệ chuyên cần duy trì từ 75 - 85% đối với khối THCS; 98 - 100% với khối Tiểu học, do khối Tiểu học được học ngay tại các lớp ở điểm bản.

Bữa ăn bán trú của học sinh trường Phổ thông Dân tộc bán trú - THCS Tá Bạ.


100% học sinh của trường là người dân tộc La Hủ, nhiều em chưa rõ tiếng phổ thông, nên còn nhút nhát trong giao tiếp. Thầy Bùi Văn Giang, đã nhiều năm dạy học ở Tá Bạ, tâm sự: Hàng ngày nhà trường phân công 2 giáo viên phụ trách một phòng bán trú để kiểm tra và nắm bắt sĩ số, hướng dẫn học tập và em vệ sinh cá nhân.

Các em học sinh của trường ở các bản vùng sâu, vùng xa phải đi bộ từ 5 - 7 km đường rừng núi, qua các khe suối để đến trường học. Với các em, chuyện đi học trên những đường mòn ở rừng già lầy lội, ẩm thấp với những con vắt xanh luôn rình rập để “quăng mình” hút máu là chuyện quá đỗi bình thường. Nhiều khi đi từ nhà đến trường áo quần, sách vở, đồ dùng cá nhân đều mất và ướt hết. Chính những lý do ấy mà hành trình tìm con chữ của các em cũng vì thế bị gián đoạn.

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào La Hủ như xã Tá Bạ thì gần như phụ huynh khó có điều kiện để quan tâm đến các em trong học tập. Thay vào đó, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đang góp phần tiếp sức cho các em.

Cùng với những sự tài trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm; sự yêu nghề của các thầy cô giáo nơi vùng khó nên dù nhiều khó khăn, vất vả, thầy và trò ở địa bàn nghèo nhất Lai Châu này vẫn âm thầm theo đuổi sự dạy và học của mình.


Bài và ảnh: Nguyễn Duy


Hiệu quả của trường học bán trú vùng cao Sơn La
Hiệu quả của trường học bán trú vùng cao Sơn La

Bắc Yên là một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, có địa hình chia cắt phức tạp, đồi núi cao, giao thông đi lại giữa các vùng còn nhiều trở ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN