Đã có hai con, một lên 8 tuổi và một lên 5 tuổi, nhưng cô giáo Vàng Thị Ghếnh chưa một lần được nhìn thấy con đi, được nghe con nói, vì cả hai đều bị tật nguyền bẩm sinh. Chồng không có việc làm, một mình cô xoay sở nuôi cả nhà bằng suất lương ít ỏi của mình. Vượt qua những khó khăn ấy, 5 năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi và có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác vận động 100% các em đến độ tuổi ra lớp.
Ngày nào cô Ghếnh cũng dậy từ rất sớm để chuẩn bị mọi việc gia đình trước khi đến lớp. Cõng con thứ hai đến trường theo học lớp nhỡ do cô phụ trách, trên đường đi cô Ghếnh còn qua các nhà đón thêm một số em. Thế nên, 7 giờ 30 phút mỗi sáng nhiều phụ huynh đã đưa con ra ngõ để theo cô đến trường. Xã Mản Thẩn với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số người Mông, hơn 200 hộ sống phân tán trên nhiều quả đồi cách nhau hàng tiếng đi bộ, giao thông khó khăn, nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa giá rét, sỹ số lớp học do cô Ghếnh phụ trách với 32 em luôn đạt từ 95% trở lên. Có được thành công này, ngoài sự kiên trì vận động, còn nhờ cô Ghếnh triển khai phương pháp giảng dạy "chơi mà học, học mà chơi". Ngoài giờ múa hát, cô Ghếnh thường hướng dẫn các em gấp, vẽ thủ công, tạo những hình thù và nhân vật sinh động, minh họa cho câu chuyện cổ tích mà cô kể cho các em.
Cô Ghếnh và các đồng nghiệp thường xuyên phải trông trẻ đến chập tối, bố mẹ các em mới từ trên nương về đón. Vào mùa nương rẫy, nhiều hôm, trả xong học sinh cuối cùng cho phụ huynh, về đến nhà đã 7, 8 giờ tối. Vất vả như thế, nhưng đồng nghiệp chưa bao giờ thấy cô Ghếnh phàn nàn hoặc chậm giờ lên lớp, hay nghỉ buổi dạy nào.
Với những thành tích ấy, cô Ghếnh vinh dự là một trong 160 nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên dương trong dịp Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 vừa qua.