Cô Uyên tên thật là Liêu Thị Mỹ Hiếu, nay đã 51 tuổi. Từ năm 18 tuổi, khi còn là đoàn viên hoạt động trong các phong trào tình nguyện, cô đã tham gia dạy học tại các lớp học tình thương do phường An Cư tổ chức tại chùa Cây Bàng. Hiện nay, cô vẫn đang tiếp tục giảng dạy tại nhà cho hơn 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các em học sinh đang học bài tại nhà cô Uyên. |
Chúng tôi đến nhà cô lúc gần 18 giờ. Cô chạy ra niềm nở mời khách vào ngồi tạm trên bộ ghế cũ ngổn ngang đồ nghề may và xâu chuỗi hột - công việc mưu sinh hàng ngày của cô, rồi lại vội vàng chạy vào bếp. Cô cho biết, cô tranh thủ nấu nước sôi đổ đầy hai phích để học sinh đến học sẽ có sẵn nước ngâm mì gói ăn.
Nhà cô dường như đã chật còn chật hơn vì những thùng mì gói, thùng sữa, chồng giấy, sách… chất quanh các góc nhà. Thêm vào đó là những chồng vải, quần áo đang may dở và những rổ đựng hạt nhựa chuẩn bị cho công việc kết cườm đem bán. Giữa nhà, cô kê hai chiếc bàn làm chỗ cho các em học.
Trên gác, không gian càng như chật chội hơn, bàn ghế nhiều hơn, kê sát vào tủ treo hàng may thành phẩm của khách. Đúng 18 giờ, các tốp học sinh lần lượt kéo đến, ríu ran từ ngoài ngõ. Thấy có khách, các em khoanh tay cúi đầu chào lễ phép, vài em ngại ngùng nép sau cánh cửa. Thấy vậy, cô Uyên lập tức nhắc nhở: “Chào khách đi các con!”
Học trò của cô Uyên thật “lạ”. Nhiều em còn mặc nguyên đồng phục, chứng tỏ vừa rời trường, nhiều em lại đeo túi nhỏ trước bụng, bên trong ngoài cuốn tập và cây bút, là cuốn sổ dò và xấp vé số cho công việc ngày mai.
Dường như đọc được sự thắc mắc của khách, cô Uyên mở lời: “Các em ở đây đa phần là con nhà nghèo, không có điều kiện đến trường, ngày ngày phải đi bán vé số, đánh giày… phụ cha mẹ kiếm sống. Vì thế, hầu hết các em mù chữ”.
Thêm nữa là nhóm học sinh “ngồi nhầm lớp”, không theo kịp các bạn, nên sau giờ học ở trường cũng tìm đến nhà cô Uyên để phụ đạo thêm. Cô Uyên cho hay, sau thời gian dạy tại chùa Cây Bàng, cô tham gia chương trình phổ cập giáo dục ban đêm cho các học sinh học yếu tại Trường tiểu học Lê Quý Đôn, quận Bình Thủy.
Biết mình không được đào tạo kỹ năng giảng dạy chính quy, cô đã dành nhiều thời gian xin dự giờ các buổi ban ngày của giáo viên trong trường để tự bổ túc kiến thức cho mình. Đến nay, đã 19 năm cô Uyên gắn bó với các lớp dạy tình thương, phổ cập. Cũng nhờ có sự đóng góp của cô, lần đầu tiên phường An Cư được công nhận là phường hoàn thành tốt nhiệm vụ xóa mù chữ, các lớp tình thương vì vậy cũng dần dẹp bỏ.
Từ đây, cô Uyên lại chuyển qua dạy học trò ở các lớp học tình thương, các dự án hỗ trợ trẻ em đường phố… do các hội từ thiện tổ chức. Năm 2008, cô thành lập Câu lạc bộ Nụ Cười và bắt đầu dạy miễn phí cho các em tại nhà riêng của mình.Ngoài việc dạy chữ, cô còn chú trọng dạy cho các em cách hành xử, lễ nghi trong cuộc sống.
Cô kể: “Mạnh thường quân đã bắt đầu nghe đến lớp học của cô và tìm đến hỗ trợ, từ cây viết, hộp sữa đến manh áo quần. Thế nhưng cô cũng giao hẹn với học trò: Em nào không biết chào hỏi khách, không biết cảm ơn khi nhận được quà, cô sẽ tịch thu và chỉ đưa lại khi em đã biết tiếp thu và sửa chữa”.
Tuy không còn vất vả như thời kỳ đầu “đơn thân” lo lắng cho các em với thu nhập eo hẹp từ công việc may quần áo, nhưng hiện nay cô Uyên vẫn nhận thêm hàng về thêu và may quần áo để có tiền mua sách, dụng cụ học tập tặng các em. Ngoài ra, cô còn tự lên mạng học cách kết các con thú bằng hạt cườm và dạy lại cho các em. Những thành phẩm được kết từ hạt cườm sẽ mang bán cho khách du lịch nhằm bổ sung, tăng thêm nguồn quỹ, để mỗi năm cô Uyên tổ chức đưa các em đi dã ngoại một lần, giúp các em mở mang kiến thức, bồi đắp thêm mơ ước và động lực phấn đấu.
Ông Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch UBND phường An Cư cho biết: “Phường đánh giá rất cao sự đóng góp của cô Uyên vào nhiệm vụ xóa mù chữ của phường, cũng như định hướng các em trở thành người công dân tốt giúp ích cho xã hội. Thấy việc làm rất nhân văn vì cộng đồng của cô Uyên, nhiều sinh viên tại các trường đại học ở Cần Thơ đã đến cùng cô chung tay dạy miễn phí cho các em. Cô là tấm gương “người tốt việc tốt” điển hình của phường An Cư”.