Được nhà trường giao làm chủ nhiệm lớp 10A2 từ năm học trước, hiện nay là lớp 11A2 Trường Trung học phổ thông Lê Lợi với “khối tài sản” khổng lồ gồm 35 học sinh, cô giáo Dương Thị Thu Hà luôn suy nghĩ "mỗi học sinh đều thông minh theo các cách khác nhau và nhiệm vụ của thầy, cô giáo là phát hiện, bồi dưỡng, khích lệ sự phát triển của những học sinh đó”.
Vì vậy, qua mỗi năm học, bên cạnh việc chủ động tìm hiểu, nắm bắt về hoàn cảnh gia đình, tính cách riêng của từng học sinh, cô luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi phương pháp, kĩ thuật dạy học để tạo nguồn cảm hứng và phát hiện, bồi dưỡng tài năng của học sinh.
“Qua quan sát trên lớp, tôi nhận thấy nhiều học sinh có kiến thức rất vững, điểm số luôn tốt nhưng lại thiếu những kiến thức sơ đẳng về kỹ năng sống. Học sinh trung học phổ thông rồi mà thậm chí phải uốn nắn từng lời nói, cử chỉ. Ý định rèn kỹ năng sống cho học sinh nảy sinh từ đó”, cô Dương Thị Thu Hà tâm sự.
Từ năm học 2017 - 2018, khi bắt đầu đón lứa học sinh đầu cấp, cô Hà đã xây dựng chương trình, kế hoạch và tự mình đi liên hệ, phối hợp với các đơn vị xây dựng các hành trình trải nghiệm thực tế.
Mở đầu là cuộc hành quân của cô và trò đến Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam. Chuẩn bị cho chuyến đi, cô Hà đã đến trước để tìm hiểu thực địa và nói rõ nhu cầu, nội dung tìm hiểu của các học sinh để cơ sở phối hợp, sắp xếp. Một mặt chuẩn bị tại cơ sở, lên kế hoạch mời giảng viên thuyết trình, mặt khác khi về lớp, cô Hà chia 35 học sinh thành nhiều nhóm, cử nhóm trưởng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bạn trong nhóm của mình.
“Lần đầu tham gia hoạt động trải nghiệm thực tế, có khá nhiều bạn còn cho rằng đơn giản và nghĩ cũng giống như một cuộc tham quan. Tuy nhiên, trong suốt chuyến đi và trực tiếp bắt tay vào các hoạt động, các học sinh mới vỡ ra nhiều điều mà trước đó các em không hề nghĩ tới”, cô Hà chia sẻ.
Trong chuyến đi đó, các học sinh phải đi sâu vào rừng, từng nhóm chia nhau đi tìm mật thư của cô giáo chủ nhiệm chuẩn bị sẵn, giấu tại những địa điểm bí mật. Chỉ đến khi tìm thấy tất cả các mật thư và trả lời được các câu hỏi trong đó, chuyến hành trình của các nhóm mới kết thúc, đồng nghĩa với việc số lượng kiến thức học sinh thu thập được không hề nhỏ.
Em Bùi Minh Ngọc, học sinh lớp 11A2 hào hứng kể về chuyến đi tìm hiểu các ký sinh trùng gây bệnh tại Học viện Edufarm hồi năm 2017. “Chúng em tự tay bắt gà, chích lấy máu rồi cùng nhau mang vào phòng thí nghiệm để tìm ký sinh trùng gây bệnh. Tất cả các kiến thức trong sách vở được cụ thể hóa và rất dễ hiểu, dễ nhớ”.
Trong mỗi chuyến đi, bên cạnh việc giúp các học sinh bổ sung kiến thức bài vở, cô Dương Thị Thu Hà luôn chú trọng giáo dục về kỹ năng sống cho các em. Học sinh tự ra vườn cắt rau, làm thịt gà, rồi nấu cơm, nấu món ăn… làm sao để có bữa ăn vào buổi trưa hôm trải nghiệm.
Mỗi chuyến đi trải nghiệm, học sinh được lĩnh hội rất nhiều kiến thức liên môn: Tìm hiểu sự đa dạng sinh vật và trách nhiệm của học sinh tại Bảo tàng Tài nguyên rừng Việt Nam; tìm hiểu dinh dưỡng và hoạt động nấu ăn tại Công ty Ajinomoto; học tập và định hướng nghề nghiệp tại Đại học FPT và Đại học Bách khoa Hà Nội; tìm hiểu các ký sinh trùng gây bệnh tại Học viện Edufarm; tìm hiểu về làng nghề truyền thống tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông...
Đặc biệt, qua các chuyến đi trải nghiệm, cô Hà đã phát hiện ra nhiều tài năng đặc biệt của học sinh: có bạn thích nấu ăn, bạn lại thích chế tạo thiết bị Vật lý, có bạn lồng tiếng và quay phim rất hay, bạn khác lại có năng khiếu kinh doanh…
Trong chuyến đi tìm hiểu về làng lụa Vạn Phúc, các học sinh đã chia nhóm làm nên những video clip giới thiệu về lụa Vạn Phúc rồi gửi tham gia chương trình Tự hào Việt Nam và đã đạt giải Nhì quốc gia.
Sau mỗi chuyến đi, cô Hà lại tổ chức một buổi sinh hoạt lớp để nhận xét, rút kinh nghiệm đối với từng nhóm học sinh, thậm chí từng học sinh. “Thông qua những hoạt động nhóm, tôi quan sát và nhận thấy những điểm mạnh, lợi thế của từng học sinh. Từ đó, tôi đã phân tích và tư vấn cho các em về những định hướng nghề nghiệp sau này. Nhiều hoài bão, ước mơ cho tương lai đã được các em mạnh dạn nói ra và tôi luôn tôn trọng sự lựa chọn của học sinh”, cô Hà tâm sự.
Mặc dù hai con còn nhỏ, chồng lại công tác trong lực lượng vũ trang nhưng cô Dương Thị Thu Hà luôn cố gắng sắp xếp công việc gia đình để tập trung cho học sinh. Chính những tâm huyết của cô và sự đổi thay rõ rệt của học sinh đã thuyết phục được các phụ huynh cùng vào cuộc trong mỗi chuyến đi.
Hiện nay, cô Dương Thị Thu Hà và các học trò đang cùng thực hiện Dự án hỗ trợ trẻ mắc bệnh Down học chữ cái thông qua các chủ đề kỹ năng sống.
Bắt gặp cô đang tập trung cao độ cùng hai học sinh chỉnh sửa, bảo dưỡng thiết bị PSE (Pictures, Sounds, Expressions) - một thiết bị của cho dự án, vừa cùng các học sinh thoăn thoắt tính toán, gắn từng viên sỏi đa sắc màu lên bề mặt tấm xốp dày trong phòng làm việc tại trường, cô Hà vừa cho biết: “Năm 2018, chia sẻ với những vất vả của các thầy cô giáo giảng dạy cho trẻ mắc hội chứng Down và sự khó khăn trong học tập của trẻ bị hội chứng này, trong suốt 6 tháng, chúng tôi mày mò, nghiên cứu nội dung, phương pháp, đặc điểm của trẻ mắc hội chứng Down để thiết kế thiết bị PSE hỗ trợ trẻ học chữ cái thông qua các chủ đề kỹ năng sống. Khi mang thiết bị này đến Làng trẻ em Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Dự án được các thầy cô giáo và trẻ mắc hội chứng Down đón nhận rất nồng nhiệt. Dự án cũng lọt vào top 15 dự án suất sắc nhất toàn quốc chương trình Tri thức trẻ vì sự nghiệp giáo dục năm 2018”.
Thiết bị PSE tích hợp âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm, tương tác với trẻ dưới hình thức vận động một cách sinh động, hấp dẫn vui vẻ trên tấm thảm được gắn các viên sỏi. Cô Hà và các học sinh cũng xây dựng phần mềm tích hợp một số nội dung chủ đề rèn luyện về kĩ năng sống liên quan đến chữ cái nhằm hỗ trợ trẻ mắc hội chứng Down học chữ cái và thực hiện được một số kĩ năng sống thiết yếu. Quá trình học tập tương tác vận động trên tấm thảm có gắn các viên sỏi để tác động vào các huyệt đạo trong lòng bàn chân, giúp trẻ hưng phấn khi vận động và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Em Bùi Khánh Vy - học sinh lớp 11A4 cho biết, đây là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu về phương tiện hỗ trợ dạy học cho trẻ mắc hội chứng Down giúp trẻ vừa học đọc, học các kĩ năng sống, vừa vận động để kích thích các giác quan phát triển và cải thiện sức khỏe. Bằng cách kết hợp liên ngành Công nghệ thông tin, Giáo dục đặc biệt, Tâm lý học và Y học đã tạo ra thiết bị PSE, mở ra phương pháp dạy học không những cho trẻ mắc hội chứng Down mà có thể cho cả các đối tượng trẻ khác.
Mỗi năm học trôi qua với cô giáo trẻ Dương Thị Thu Hà 35 tuổi đời, 12 năm tuổi nghề lại là một chuyến đi trải nghiệm. Như lời cô Hà tâm sự lúc chia tay chúng tôi: “Từ những chuyến đi, dự án nghiên cứu, không chỉ học sinh được bổ sung kiến thức mà bản thân tôi cũng có cơ hội trải nghiệm, học tập sự đam mê từ chính những học trò, học sự tâm huyết của các thầy cô giáo thế hệ đi trước, từ đó vận dụng vào những bài giảng hàng ngày trên lớp, xây đắp tình yêu nghề, yêu học trò hơn nữa”.