Cựu chiến binh Ngô Phan Tuyến (ảnh) ở thôn Hào Lịch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng) là tấm gương điển hình về mô hình nuôi ong.
Nhận thấy nuôi ong mật có giá trị kinh tế cao, năm 1998, ông Tuyến quyết định đầu tư. Thời gian đầu, do ông chưa có kinh nghiệm, nên ong thường bay đi. Không nản chí, ông chịu khó học hỏi, tìm tòi kỹ thuật nuôi trên đài, sách báo, từ đó áp dụng vào thực tiễn hiệu quả.
Ông Tuyến chia sẻ, người nuôi ong phải am hiểu tập tính của ong, biết rõ mùa nào hoa nở để di chuyển đàn ong đến chỗ có nguồn mật hoa dồi dào như hoa nhãn, hoa rừng... Muốn cho đàn ong phát triển mạnh, người nuôi còn phải nắm vững kỹ thuật tách đàn, tạo ong chúa, lấy mật, đặc biệt là xử lý kịp thời hiện tượng ong bốc bay hoặc bệnh thối ấu trùng. Đối với thời tiết của Cao Bằng, nếu khai thác mật ong, nên khai thác vào mùa hoa nhãn, vì vào mùa này, mật sẽ cho màu vàng đậm hơn, có vị thơm của hoa nhãn...
Đến nay, đàn ong mật của gia đình ông đã phát triển được 30 đàn, với 90 cầu; sản lượng mỗi năm thu được khoảng 160 lít; thu nhập bình quân khoảng hơn 30 triệu đồng/năm.
Không chỉ dừng lại ở nuôi ong, bằng nguồn vốn gia đình, ông Tuyến mạnh dạn đầu tư các mô hình như chăn nuôi gà, lợn, bồ câu... để tăng thêm thu nhập. Trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, ông Tuyến luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở địa phương, tham khảo mô hình chăn nuôi khác của các hộ xung quanh... Từ đó, ông có kinh nghiệm về chăn nuôi và biết cách phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Hiện đàn gà của gia đình ông có gần 100 con; đàn lợn có 7 con; đàn bồ câu trên 50 con. Mỗi năm gia đình ông Tuyến thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng.