Phải chuyển nhà vì sợ tin đồn bán tạng người thân
Bà Nguyễn Hồng Son (62 tuổi, trú tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) - người đã hiến hai quả thận của người con trai Trần Quốc Tiến khi anh qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đã phải mất 3 năm trời chống chọi với tin đồn bán tạng con để lấy tiền.
Khi con trai bà rơi vào tình trạng chết não, không thể cứu được, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy đã gợi ý bà hiến tạng con mình. Sau một ngày suy nghĩ, bà Son đồng ý hiến tạng.
Tuy nhiên, việc làm của bà gây chấn động làng quê nghèo Vũng Liêm (tỉnh Vĩnh Long) ngày ấy. Người ta xì xào, bàn tán rằng bà Son bán nội tạng con trai để lấy tiền. Khi bà đưa thi thể con trai về quê, một số người nhà ngăn cản, bà buộc phải tổ chức đám tang cho con trong đêm ở ngoài đồng. Sau đám tang, những lời ra tiếng vào thêm một lần nữa như xát muối vào lòng người mẹ.
Quá sợ hãi dư luận ác nghiệt, trong 3 năm, bà Son phải chuyển nhà mấy lần và cuối cùng dừng lại ở vùng đất Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh.
Mãi đến năm 2015, khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trao tặng bà Son kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” thì nỗi oan của bà mới được gột rửa.
Tương tự, dù đã gần 3 cái Tết trôi qua nhưng nỗi đau mất chồng cũng như “tiếng oan” bán tạng chồng vẫn chưa nguôi ngoai trong lòng bà Nguyễn Thị Ngọc Yến (trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).
Sau một vụ tai nạn, ông Kim Hòa Na (chồng bà Yến) hôn mê và được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến khi biết ông Na không còn hy vọng sống, các bác sỹ thuyết phục bà Yến hiến tạng chồng để cứu người. “Lúc đầu tôi không đồng ý đâu vì vẫn muốn ông ấy ra đi nguyên vẹn. Nhưng khi nghe các bác sỹ nói tạng chồng tôi có thể cứu được nhiều người, tôi và các con mình đã đồng ý”, bà Yến nhớ lại thời khắc quyết định hiến tạng chồng.
Ngày đưa thi thể của chồng về nhà lo tang lễ, bà Yến đối mặt với sự nghi ngờ của gia đình chồng và chòm xóm chung quanh. Bà Yến kể trong nước mắt: “Người ta đồn tôi bán tạng chồng lấy tiền tỷ, gia đình chồng cũng trách móc tôi, nhiều người nói tôi tham tiền”.
Nỗi đau mất chồng cùng với những lời đàm tiếu của dư luận khiến bà Yến kiệt quệ. Bà Yến rơi vào tình trạng trầm cảm, khép mình lại, ít khi tiếp xúc với ai. Sau này, khi mọi thứ đã dần nguôi ngoai, bà tự động viên mình rằng việc hiến tạng của ông để cứu người là một cách thay ông làm phúc bởi “cứu một mạng người còn hơn xây bảy ngôi chùa”.
Từ những nỗi oan "kêu trời, trời chẳng thấu” của những người trong cuộc, Thạc sỹ Lê Minh Hiển, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Phó trưởng Đơn vị ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết: “Trong giai đoạn từ năm 2016 trở về trước, việc vận động hiến tạng nhân đạo gặp nhiều khó khăn do người dân vẫn còn lạ lẫm. Bên cạnh đó, sau khi hiến tạng người thân một số gia đình rơi vào tình trạng bị họ hàng, dư luận nghi ngờ bán tạng để lấy số tiền lớn khiến cho họ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Nhiều gia đình đã tìm đến chúng tôi và chia sẻ những câu chuyện bị hiểu nhầm rất đau lòng. Làm sao để gia đình người hiến tạng nhận được cái nhìn thấu hiểu, cảm thông của cộng đồng là điều trăn trở của chúng tôi”.
Những chuyến xe “giải oan”
Tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã chứng kiến nhiều sự việc đau lòng “hậu hiến tạng”. Và chính chị đã nghĩ ra phương án đến trực tiếp gia đình người hiến để giải nỗi oan cho họ.
Theo chân Đơn vị điều phối ghép tạng, chúng tôi đến tỉnh Đăk Lăk - nơi có một gia đình người hiến tạng vẫn đang mang nỗi hàm oan.
Tiếp đoàn, ông Hà Minh Tâm (người quyết định hiến tạng con trai Hà Minh Nhật) để cứu người vào tháng 12/2018 tâm sự: “Quyết định hiến đi một phần thân thể của con sau khi con mất, chúng tôi cứ nghĩ mình làm việc thiện giúp người. Không ngờ, khi nỗi đau mất con chưa nguôi thì chúng tôi phải gánh thêm những lời cay nghiệt của người đời. Họ nói tôi bán tạng của con để lấy tiền nhưng nếu bán tạng để lấy tiền sao tôi phải sống khổ sở như thế này?”.
Quả thực, một năm sau khi con trai qua đời, gia đình ông Tâm vẫn phải sống trong căn nhà xập xệ, tài sản không có gì đáng giá. Bản thân ông và người con trai khác phải đi làm thuê tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ, lâu lâu mới được về thăm gia đình. Không chịu nổi những lời nói ác ý, gia đình đành cầu cứu Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) - những người đã vận động họ hiến tạng cứu người.
Những lời khẩn cầu tha thiết của gia đình ông Hà Minh Tâm đã được Tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu đáp ứng. Gác lại những bộn bề của công việc tại bệnh viện, đoàn công tác của Bệnh viện Chợ Rẫy đến với gia đình ông Tâm vào dịp giỗ đầu của chàng trai trẻ Hà Minh Nhật. Ngậm ngùi thắp nén hương thơm cho Nhật, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu hứa trước vong linh của người đã khuất rằng chị sẽ tìm mọi cách để giải tiếng oan cho gia đình em. Ngay sau đó, chị và đoàn công tác đã đến UBND thị trấn Ea Knốp (huyện Ea Kar) để nhờ địa phương quan tâm, chăm lo hơn đến gia đình người hiến tạng cũng như trực tiếp gặp người dân nhằm giải tỏa những nghi ngờ.
Câu chuyện về nỗi oan bán tạng người thân của gia đình ông Tâm cũng là vấn đề chung mà nhiều gia đình người hiến tạng đang gặp phải. Gắn bó với công tác điều phối hiến tạng nhiều năm qua, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu vô cùng trăn trở với tình trạng này. Vì thế cứ mỗi lần nghe thông tin ở đâu có người bị mang tiếng oan, chị và các cộng sự lại lên đường để giải oan. Trong năm năm qua, các “chuyến xe giải oan” của Bệnh viện Chợ Rẫy đã giúp hóa giải nhiều trường hợp tương tự ở Đồng Nai, Củ Chi, Trà Vinh…
“Những gia đình này xứng đáng được vinh danh, được cộng đồng tôn trọng với nghĩa cử cứu người cao đẹp chứ không phải chịu cảnh đớn đau giằng xé như thế. Trách nhiệm của người điều phối chúng tôi là phải chăm sóc về tinh thần cho gia đình người hiến tạng. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi vẫn chịu cảnh “lực bất tòng tâm” vì có những gia đình hiến tạng ở rất xa. Sau này chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cùng chung tay động viên, bảo vệ họ trước những tin đồn thất thiệt. Có như thế mới khiến người đã khuất yên lòng và lan tỏa được phong trào hiến tạng mạnh mẽ trong xã hội”, Tiến sỹ, bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu chia sẻ.
Bài cuối: Lan tỏa phong trào 'Cho đi là còn mãi'