Các em tại "Vườn đọc sách Chi Các".
|
Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu sách, nên tuổi thơ của ông Xuân đắm chìm trong những trang sách. Bố ông Xuân còn lập một "Tủ sách gia đình" với nhiều cuốn sách quý và chính bố ông đã khơi lên tình yêu, đam mê sách, đọc sách cho ông.
Ý tưởng thành lập một khu vườn sách của ông Xuân bắt nguồn từ sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin khiến văn hóa đọc nhất là đối với giới trẻ dần mai một. Từ đó, ông muốn khơi lên niềm đam mê sách trong giới trẻ nhất là các thiếu nhi có chỗ sinh hoạt bổ ích trong dịp hè.
Ngoài ra, theo ông Xuân việc xây dựng vườn sách còn giúp các cụ già như bố ông, những người về hưu có nơi sinh hoạt đàm đạo và mở rộng quy mô tủ sách gia đình, đưa văn hóa đọc đến với mọi người.
Theo đó, đầu năm 2017, ông Xuân đã dành khoảng 200 triệu đồng để xây dựng khu vườn sách. Ông dành gần hết diện tích mảnh đất, ao vườn gia đình là 1.600m2 để quy hoạch, xây dựng thành một không gian xanh. Trong khu vườn của mình, ông trồng rất nhiều cây xanh, vừa để lấy bóng mát, vừa có không khí trong lành cho người đến đọc sách.
Dưới mỗi tán cây, ông cho đặt các ghế đá để mọi người có thể đọc sách trong bầu không khí thiên nhiên. Ở giữa khu vườn, ông Xuân còn xây một phòng đọc sách nổi giữa hồ nước với diện tích khoảng 30m2. Phòng đọc sách của ông hiện có trên 2.000 đầu sách nhiều thể loại như sách văn học trong nước và nước ngoài, lịch sử, địa lý, truyện cổ tích, một số tờ báo thời sự hàng ngày…
Nhiều những người lớn tuổi đến khu vườn đọc sách. |
Vườn đọc sách được mở cửa miễn phí từ 8 giờ đến 17 giờ các ngày trong tuần. Mọi người có thể đọc tại chỗ hoặc mượn sách về nhà. Tủ sách của gia đình ông đã phục vụ nhiều người dân trong và ngoài vùng, nhất là cán bộ hưu trí, thanh thiếu niên, học sinh. Thỉnh thoảng vườn đọc sách còn đón một vài người bạn già ham mê sách báo ở nhiều nơi xa đến cùng ông Xuân thưởng trà, bàn luận sách hay.
Em Lê Duy Hưng (12 tuổi, phường Việt Hòa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) chia sẻ: "Ở đây có rất nhiều sách, truyện. Bất cứ khi nào có thời gian cháu sẽ đến đây đọc sách. Cháu rất thích không gian đọc sách ở đây."
Đến nay, kho sách của ông Phạm Văn Xuân ngày một tăng lên về số lượng sách, bởi anh em, bạn bè và nhiều người khi biết đến khu vườn đã mang sách tới ủng hộ. Khu vườn sách của ông Phạm Văn Xuân còn là địa chỉ tin cậy của thư viện trong tỉnh khi muốn cập nhật nguồn sách bởi khả năng am hiểu cũng như sự chọn lựa cẩn thận của ông.
Ông Xuân cho biết: "Để vườn đọc duy trì, ngày càng phát triển, phong phú cả về chất lượng và số lượng sách, trong thời gian tới, tôi tiếp tục vận động nguồn sách từ bạn bè, người thân trong gia đình". Điều đặc biệt hơn, vài tháng, vườn đọc lại có nguồn sách lớn từ việc hợp tác, trao đổi, luân chuyển 500 đầu sách giữa ông Xuân và Thư viện tỉnh Hải Dương.
Cùng với đó, ông Xuân còn chủ động đến gặp các thầy cô hiệu trưởng của một vài trường học ở địa phương, đề xuất nhà trường mở những buổi ngoại khóa cho các cháu đi thực tế tại "Vườn đọc sách Chi Các" để các cháu mở mang thêm kiến thức và có không gian tự nhiên bổ ích sau mỗi giờ học mệt mỏi.
Vườn sách miễn phí của ông Xuân đã khơi dậy văn hóa đọc đang ngày một mai một nhất là trong giới trẻ. Đây là mô hình thiết thực, ý nghĩa và đầy tính nhân văn nhằm gìn giữ văn hóa đọc trong xã hội hiện nay. Vì vậy, cần nhân rộng nhiều hơn nữa những mô hình như thế này.