Ông Đặng Ngọc Hiệp kiểm tra các trang thiết bị chữa cháy được bố trí trên chiếc xe chuyên dụng. |
Cao nguyên mùa nắng gắt, xưởng sửa xe ở khu phố Langbiang, trung
tâm thị trấn Lạc Dương của ông Đặng Ngọc Hiệp (59 tuổi) nổi bật với
chiếc xe chữa cháy màu đỏ đặc trưng.
Chiếc xe này tuy nhỏ nhưng chứa đầy
đủ “đồ nghề” của lính cứu hỏa như quần áo chống nóng, máy bơm nước công
suất lớn, các cuộn ống dẫn nước chuyên dụng, thang chữa cháy… Tất cả
được sắp đặt gọn gàng trong xe để sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có cháy xảy
ra.
“Toàn bộ trang thiết bị chuyên dùng này đều do chính quyền địa
phương trang bị cho chúng tôi sử dụng, làm nhiệm vụ chứa cháy, cứu hộ
cứu nạn ngay tại địa bàn”, ông Hiệp cho biết.
Tham gia đội chữa cháy cơ động này, các thành viên đã trải qua một
khóa huấn luyện các kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và chữa cháy do lực lượng
Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp tổ chức. Mỗi tổ dân phố bố
trí 3 thành viên, gọi là Đội tự quản chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh
trật tự trong khu phố, đồng thời tham gia chữa cháy.
Khi có tin báo cháy được gọi qua đường dây nóng của Cảnh sát Phòng
cháy, chữa cháy hoặc chính quyền địa phương, các thành viên trong đội sẽ
gọi báo cho ông Hiệp hay những thành viên trong đội. Sau đó, xe chữa
cháy được điều tới hiện trường. Các thành viên trong đội cũng liên lạc
với nhau bằng bộ đàm để đến hiện trường tham gia dập lửa, hạn chế đám
cháy lây lan ra xung quanh, trước khi có xe chữa cháy chuyên dụng của
lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy đến tiếp ứng.
Xe chữa cháy nhỏ, thuận lợi cho việc tiếp cận những đám cháy trong
khu dân cư, hay những con đường nhỏ đặc thù của thị trấn miền núi. Đây
cũng là một lợi thế trong công tác chữa cháy của đội.
Theo ông Hiệp,
trước đây do chưa có xe chuyên dụng, các thành viên phải để đồ nghề ở
nhà. Khi có cháy các thành viên mới lấy đồ, chất lên xe rồi đến hiện
trường nên mất thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác chữa cháy. Sau
đó, đội được trang bị một xe chuyên dụng riêng nên công tác chữa cháy,
cứu hộ cứu nạn đã chủ động hơn.
Xe chữa cháy cơ động rất thuận lợi khi đi làm nhiệm vụ trong các khu phố, con đường nhỏ đặc thù của thị trấn Lạc Dương. |
Thị trấn Lạc Dương cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 20 km
công tác chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn, do khoảng cách để lực lượng
chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường là khá xa. Do đó, đội chữa cháy
cơ động hoạt động hiệu quả là việc làm rất đáng ghi nhận trong công tác
phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.
Ông Lê Chí Quang Minh, Chánh Văn phòng UBND huyện Lạc Dương cho
biết, sau khoảng một năm đi vào hoạt động, đội chữa cháy cơ động đã góp
phần tích cực trong công tác phòng và chữa cháy trên địa bàn. Cả đội đều
hoạt động trên tinh thần tự nguyện, kinh phí cũng tự chi trả.
“Thời
gian tới, địa phương sẽ có phương án hỗ trợ một phần kinh phí cho đội
hoạt động, đồng thời nghiên cứu mở rộng mô hình ra địa bàn các xã lân
cận nhằm phát huy hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy theo phương
châm 4 tại chỗ”, ông Minh cho hay.